Ngày 10/1, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi khu vực phía Bắc. Chủ trì Hội thảo có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp khu vực miền Bắc, miền Trung.
Sửa đổi Luật BVMT sẽ tạo cuộc cách mạng trong công tác BVMT
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật BVMT năm 2014, qua 5 năm thực hiện đã đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hôi đất nước. Tuy nhiên, cũng trong thời gian qua, bối cảnh kinh tế - xã hội, hiện trạng môi trường của đất nước và xu thế môi trường thế giới đã nhiều thay đổi so với giai đoạn năm 2015.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo sáng 10/1/2020 |
Các thành phần môi trường cốt yếu, quyết định đến sự sống và sự phát triển như môi trường nước, không khí ngày càng suy thoái. Trong khi vấn đề môi trường là vấn đề toàn cầu, suy nghĩ về môi trường là suy nghĩ mang tính toàn cầu thì hành động bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi mỗi quốc gia, mỗi địa phương và là của từng tổ chức, cá nhân…
Riêng tại Việt Nam, trong quá trình triển khai Luật BVMT, đến nay có rất nhiều quy định liên quan đến các bộ Luật khác, trong đó có nhiều vấn đề chồng chéo, gây khó khăn cho quá trình thực thi. Bên cạnh đó, qua tổng kết đánh giá việc triển khai Luật BVMT tại các địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc có liên quan đến một số quy định, chính sách được được quy định trong Luật BVMT, trong bối cảnh đó, việc sửa đổi Luật BVMT năm 2014 được đặt ra.
Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi Luật BVMT nhằm tạo một cuộc cách mạng trong chính suy nghĩ, tư duy quản lý đến nhận thức và hành động của mỗi người dân. “Đã đến lúc, vấn đề môi trường phải đóng vai trò dẫn dắt cho mô hình phát triển kinh tế, xã hội, việc chỉnh sửa về chính sách quản lý môi trường vừa đáp ứng yêu cầu cuộc cuộc sống đòi hỏi, vừa là nền tảng dẫn dắt quá trình phát triển của đất nước. BVMT không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà phải gắn với trách nhiệm, quyền lợi và quyền hạn của người dân. Đây là công việc chung, trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, xã hội”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với nhiều nội dung mới, với phương thức và tư duy thực hiện mới, dự thảo Luật BVMT sửa đổi đã trực diện giải quyết những vấn đề phát sinh thực tiễn như môi trường ở nông thôn, đô thị, làng nghề, ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, đến từng cá nhân khi “người gây ô nhiễm đều phải chịu trách nhiệm”.
Với những quy định mới được đề xuất đặt ra trong dự thảo Luật, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc tổ chức thực hiện Luật để tăng hiệu quả, hiệu lực của luật. “Làm sao mỗi điều luật khi ban hành có thể đi và cuộc sống ngay, được người dân, doanh nghiệp hiểu, thống nhất và đồng thuận thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội thảo |
Ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của Bộ TN&MT trong việc sửa đổi Luật BVMT, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, Bộ đã nhận diện được những vấn đề khó, vướng mắc từ thực tiễn, tích cực lấy ý kiến của các địa phương, các chuyên gia để tìm ra lối thoát cho công tác quản lý môi trường tốt hơn.
Ông Phan Xuân Dũng cũng đánh giá cao cách làm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ TN&MT trong suốt quá trình xây dựng dự thảo Luật và tham vấn ý kiến của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ TN&MT và Ủy ban khi cùng tìm tiếng nói chung để chỉnh sửa Luật một cách hợp lý nhất.
Ông Phan Xuân Dũng cho biết, theo dự kiến ban đầu của Chính phủ là chỉnh sửa, bổ sung một số điều của Luật BVMT. Tuy nhiên, sau khi xem xét lại, Bộ TN&MT đề xuất sửa đổi Luật với khối lượng nội dung sửa đổi lớn, toàn diện. Với nhiều thay đổi trong dự thảo Luật mới, ông Phan Xuân Dũng cũng kỳ vọng, Luật BVMT sửa đổi sẽ thực sự tạo chuyển lớn trong công tác BVMT, để môi trường thực sự là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân điều hành Hội thảo |
Sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật để xây dựng môi trường tốt hơn
Trình bày về những điểm mới của dự thảo Luật BVMT sửa đổi, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) thông tin: Dự thảo Luật có 17 chương, 176 điều (tăng 6 điều). Trong đó, giữ nguyên 30 điều; bãi bỏ, lồng ghép nội dung vào các điều khác 47 điều; sửa đổi, bổ sung 78 điều; bổ sung mới 5 điều.
Một số điểm mới của Luật cần lưu ý như: Bổ sung quy định về Chiến lược BVMT quốc gia; sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch BVMT; sửa đổi các quy định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; sửa đổi, bổ sung quy định về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá về tác động môi trường (ĐTM); thay thế 07 loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, đăng ký chủ nguồn thải…về BVMT bằng một loại giấy phép môi trường; sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý cảnh quan thiên nhiên và BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Sửa đổi, bổ sung quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu; quy định về quản lý chất thải; quy định về quản lý chất lượng môi trường; quy định về sự cố ô nhiễm môi trường; quy định về quy chuẩn kỹ thuật môi trường; quan trắc, thông tin, cơ sở dữ liệu và báo cáo môi trường; các công cụ kinh tế, nguồn lực cho BVMT; trách nhiệm BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, khu dân cư; nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT; các quy định về thanh tra, kiểm tra; các quy định về bồi thường thiệt hại về môi trường…
Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đánh giá và thống nhất cao nội dung của Dự thảo luật |
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đánh giá và thống nhất cao nội dung của Dự thảo luật, đồng thời đã tích cực đóng góp bổ sung thêm một số vấn đề để hoàn thiện cho Dự thảo Luật BVMT sửa đổi.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh cho rằng, các quan điểm, khái niệm, định nghĩa về môi trường, bảo vệ môi trường cần nhất quán, không thể theo kinh nghiệm của nước ngoài một cách máy móc. Cần xem con người cũng là một bộ phận của môi trường. Nên tách phân vùng môi trường ra khỏi quy hoạch môi trường, kiểm toán môi trường chủ yếu phải tự kiểm toán. Không nên phân biệt trạm quan trắc là của trung ương hay địa phương mà nên thống nhất trong quản lý để đảm bảo chính xác về số liệu và tạo sự liên kết, thông suốt. Vấn đề về đánh giá tác động môi trường cần xem xét kỹ hơn, tránh tạo gánh nặng lên cho doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh phát biểu |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Thái (Khoa Môi trường, Trường Đại học Tự nhiên): Quy hoạch môi trường không nhất thiết phải đưa lại định nghĩa vì trong Luật Quy hoạch đã có. Cần đưa khái niệm về phế liệu. Liên quan đến đánh giá tác động môi trường nên đưa thêm vào cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Việc kiểm toán chất thải khi đưa vào Luật sẽ rất khó làm nên trước mắt chỉ nên đưa là kiểm kê nguồn thải trong đó có gắn danh mục các loài nguồn thải phát sinh theo thời gian, thời điểm với mục đích ngăn chặn phát thải ban đầu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga (Vụ trưởng Vụ quản lý môi trường, Bộ Y tế) đánh giá rất cao việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Mục 6, điều 83 ,84 của Luật cũ giải thích về sức khỏe môi trường rất khó hiểu nhưng Luật sửa đổi đã giải thích rõ. Luật sửa đổi chưa đề cập môi trường không khí trong nhà, tiếng ồn. Luật đưa ra phải có chế tài về bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng vì chưa có cơ quan nào kiểm tra, giám sát.
Tiến sĩ Lê Thị Chinh (Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội) góp ý liên quan đến quản lý chất lượng môi trường không khí, đánh giá sức chịu tải môi trường không khí là điều rất khó khả thi. Cần làm rõ những đơn vị chức năng nào được phép quan trắc, chỉ nhà nước hay cả tư nhân.
Chuyên gia Đỗ Thành Bái |
Chuyên gia Đỗ Thành Bái đề xuất cần xem xét lại một số nội dung về đánh giá tác động môi trường trong quy định về thẩm định; phân biệt giữa cấp phép cho dự án hoạt động và cấp phép cho cụm thiết bị, nên đổi khái niệm sự cố môi trường thành rủi ro môi trường; kiểm toán chất thải không nên đưa vào Luật mà là kiểm kê chất thải.
Hội thảo diễn ra trong cả ngày (10/01/2020), Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về Hội thảo.