Xã hội

Sử dụng vốn vay hiệu quả giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững

Vy Huyền 29/06/2024 12:29

(TN&MT) - Nhiều năm qua, các mô hình kinh tế do phụ nữ triển khai đã phát huy hiệu quả tốt và trở thành hình mẫu trong công tác giảm nghèo. Thông qua các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ từ trung ương đến địa phương, nguồn vốn chính sách xã hội đã tạo tiền đề để hội viên phụ nữ từng bước thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Hướng dẫn sử dụng vốn vay hiệu quả

Từ đâu năm 2024 đến nay, Hội LHPN xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có 368 hội viên, phụ nữ trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện với tổng dư nợ trên 11 tỷ đồng. Với phương châm vừa phát triển kinh tế, vừa thực hành tiết kiệm đã giúp chị em hội viên mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Hiền (xóm Mai Trung, xã Thanh Mai) là một trong những phụ nữ đã sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả và thuộc diện hộ mới thoát nghèo. Chị chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi từng làm thuê đủ nghề, trồng trọt chăn nuôi, nhưng do thiếu vốn nên luôn rơi vào tình trạng khó khăn. Năm 2023, Hội Phụ nữ xã đã tuyên truyền, hướng dẫn tôi làm hồ sơ vay vốn. Từ 100 triệu đồng mà Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Chương cho vay, gia đình tôi đã đầu tư nuôi trâu sinh sản. Nhờ cán bộ hội tận tình hướng dẫn ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi nên năm qua, thu nhập của gia đình đều tăng lên, cuộc sống đỡ vất vả hơn.

tm638539747334581371.jpg
Chị Nguyễn Thị Hiền (xóm Mai Trung) nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã xây chuồng và chăn nuôi để phát triển kinh tế

Bên cạnh tăng cường nguồn vốn cho vay, Hội LHPN xã cũng quan tâm công tác kiểm tra giám sát, nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn nhận ủy thác tại 4 Tổ Tiết kiệm và vay vốn do Hội LHPN xã quản lý. Các tổ trưởng, tổ phó sẽ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác do các cấp tổ chức; xây dựng kế hoạch triển khai cho vay và kiểm tra thường xuyên các hộ vay vốn do Hội quản lý.

Tại Bắc Giang, Hội LHPN thị trấn An Châu (huyện Sơn Động) hiện có tổng dư nợ gần 50 tỷ đồng cho gần 600 lượt hội viên phụ nữ vay tại 13 tổ tiết kiệm và vay vốn. Bà Hoàng Thị Chung, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn An Châu cho biết, khi có nguồn thu nhập, chị em luôn có ý thức hoàn trả vốn vay, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống. Từ đó tạo chuyển biến trong hoạt động của hội, thu hút hội viên thêm gắn bó, tin tưởng vào hội. Đồng thời, hội còn thường xuyên phối hợp với NHCSXH huyện kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hội viên. Các tổ tiết kiệm và vay vốn đều thực hiện hiệu quả, hội viên đều trả lãi, gốc đúng hạn và gửi tiết kiệm đều đặn hằng tháng.

Thực tiễn cho thấy, việc lồng ghép các hoạt động tuyên truyền kết hợp với hướng dẫn, cầm tay chỉ việc giúp hội viên phát triển kinh tế đã giúp hội viên phụ nữ nâng cao thu nhập, phát huy đúng vai trò các nguồn vốn vay.

Chia sẻ về công tác triển khai hoạt động tín dụng chính sách của Hội LHPN Việt Nam 3 năm qua, bà Đào Mai Hoa – Phó Trưởng Ban Kinh tế - Hội Liên hiệp Việt Nam cho biết: Trong 3 năm (2021- 2023) thực hiện hoạt động tín dụng chính sách, đã có hơn 186 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn sản xuất kinh doanh.

small_18759.jpg
Hàng trặm nghìn hội viên phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có vốn sản xuất kinh doanh.

Các cấp Hội LHPN Việt Nam và các địa phương đã có những giải pháp phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, chi hội trưởng, tổ trưởng phụ nữ. Để có nguồn lực dài hơi cho các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất và được Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì thực hiện 2 Đề án của Chính phủ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và “Hỗ trợ hợp tác xã do nữ làm chủ và tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ”.

Hội LHPN Việt Nam cũng đã ký Chương trình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong thực hiện Chiến lược tài chính quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, thúc đẩy giáo dục tài chính… góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn vay.

Tăng cường giáo dục quản lý tài chính

Báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, Không chỉ nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ và người dân về tín dụng chính sách, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn lồng ghép hỗ trợ, xây dựng năng lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho hộ vay; đẩy mạnh giáo dục tài chính giúp hộ vay có kiến thức quản lí tài chính hiệu quả, đồng thời, góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

anh-3.jpg
Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục tài chính

Nhằm hỗ trợ các hộ vay phát huy hiệu quả nguồn vốn, các cấp Hội luôn chú trọng lồng ghép việc triển khai tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, đề án.

Đặc biệt là trong 9 năm qua (2014 - 2023), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” (Đề án 939) và Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lí, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01). Từ việc thực hiện Đề án 939, qua tham mưu, đề xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nguồn vốn ủy thác của UBND các tỉnh, thành phố qua NHCSXH để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được tăng lên, đặc biệt, ở một số địa phương, UBND tỉnh, thành phố ưu tiên dành nguồn vốn hoặc thành lập nguồn tín dụng riêng cho phụ nữ khởi nghiệp và ủy thác qua NHCSXH với số vốn tăng lên hằng năm.

Đến nay, số dư tiết kiệm tại từ các tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lí luôn tăng trưởng cao, chiếm 40,8% tổng số dư tiền tiết kiệm của NHCSXH. Dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ đạt gần 128 nghìn tỉ đồng với gần 2,6 triệu hộ vay vốn, thông qua 61.937 tổ tiết kiệm và vay vốn.

Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chương trình giáo dục tài chính nhằm góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; phối hợp đề xuất chương trình tín dụng cho các nhóm phụ nữ đặc thù (lao động nữ mất việc làm, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lí, tạo việc làm cho lao động nữ thuộc Đề án 939 và Đề án 01).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng vốn vay hiệu quả giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO