Tài nguyên

Sử dụng cát biển thay thế cát sông trong xây dựng: Tiềm năng đầy hứa hẹn

Mai Đan (thực hiện) 13/08/2024 09:53

(TN&MT) - Trước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia và các công trình lớn - nhỏ khác, việc đáp ứng nguồn cung cát đang đặt ra rất cấp thiết. Nhiều nghiên cứu ở Việt Nam đã đề xuất phương pháp khả thi để thi công xây dựng công trình, đắp nền đường bằng cát biển. Kết quả bước đầu cho thấy cát biển đáp ứng hầu hết các yêu cầu về vật liệu xây dựng công trình, đắp nền đường... Đây được đánh giá là giải pháp khả thi về vật liệu thay thế cát sông.

a1-pgs.ts-le-trung-thanh.jpg
PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)

Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Lê Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) để làm rõ các yếu tố đảm bảo an toàn, bền vững trong sử dụng cát biển thay thế cát sông làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp, cũng như những giải pháp căn cơ và lâu dài để có nguồn cung ổn định cho các dự án giao thông phía Nam.

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về thực trạng cát xây dựng hiện nay, khi cung không đủ cầu?

PGS.TS Lê Trung Thành: Cát xây dựng bao gồm 2 loại chủ yếu là cát xây dựng để làm vữa, bê tông phục vụ công trình xây dựng và cát san lấp phục vụ công tình hạ tầng kỹ thuật, công trình đường giao thông.

Cát xây dựng dùng cho vữa và bê tông về cơ bản phải có chất lượng cao hơn, thường là hạt thô. Chất lượng cát xây dựng cần phải đạt yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN (TCVN 7570:2006 về cốt liệu cho bê tông và vữa và TCVN 9205:2012 - Cát nghiền cho bê tông và vữa). Cát san lấp và đắp nền cho các dự án giao thông thường sử dụng khối lượng lớn, có chất lượng ít khắt khe hơn, thường là hạt nhỏ, phải chú ý kiểm soát quy định về môi trường.

a2-cat-bien.jpg
Việc thí điểm sử dụng nguồn cát biển thay thế cát sông, phục vụ những công trình trọng điểm quốc gia đang được kỳ vọng sẽ thay thế nguồn cát sông ngày càng cạn kiệt

Theo báo cáo số liệu ước tính từ các địa phương, tổng trữ lượng cát, sỏi đủ tiêu chuẩn làm cát bê tông và vữa được các địa phương phê duyệt theo thẩm quyền ước khoảng 700 triệu m3, còn lại trữ lượng cát san lấp khoảng hơn 2 tỷ m3. Nhu cầu cát xây dựng cho vữa và bê tông khoảng 120-130 triệu m3/năm, sản lượng khai thác và sử dụng mới đáp ứng được 60-70%, còn lại phải sử dụng nguồn cát nghiền nhân tạo thay thế. Hiện nay, do giá thành cát nghiền nhân tạo khá cao nên chủ yếu phù hợp để dùng thay thế cát xây dựng cho bê tông và vữa, không phù hợp để làm cát san lấp và đắp nền cho các dự án giao thông.

PV: Trong bối cảnh nhiều dự án giao thông trọng điểm đang khát nguồn cát đắp nền đường, việc sử dụng cát biển làm nguồn vật liệu thay thế cát sông đang được xem là giải pháp tối ưu. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?

PGS.TS Lê Trung Thành: Tại nhiều cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã rất quan tâm, chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT cùng các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện chủ trương sử dụng cát biển thay thế cát sông, đặc biệt đối với các công trình, dự án giao thông trọng điểm. Theo đó, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT đề xuất việc mở rộng thí điểm sử dụng cát biển để bù đắp phần thiếu hụt từ cát sông với các giải pháp, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho các địa phương, chủ đầu tư các dự án, nhà thầu thi công sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.

Việc sử dụng cát biển thay thế cát sông trong vật liệu xây dựng, đúc bê tông, san lấp hạ tầng, đắp nền đường… là lựa chọn hứa hẹn triển vọng, tiềm năng. Để các địa phương triển khai hiệu quả việc này, Bộ Xây dựng đã tổ chức biên soạn và Bộ KH&CN đã ban hành các tiêu chuẩn: TCVN 7570:2006 Cốt liệu cho bê tông và vữa, TCVN 10796:2015 Cát mịn cho bê tông và vữa, TCVN 13574:2023 Cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa,… để hướng dẫn sử dụng cát biển trong ngành xây dựng, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, dễ sử dụng trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp trên toàn quốc.

Giải pháp này về mặt kỹ thuật là hợp lý. Cát biển hay cát sông đều là các vật liệu dạng hạt có độ đặc chắc cao, hoàn toàn có thể được sử dụng để làm vật liệu đắp nền đường. Bộ GTVT đã có văn bản số 2499/BGTVT-KHCN&MT ngày 11/3/2024 thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông và hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường giao thông.

PV: Để sử dụng cát biển đạt hiệu quả, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, theo ông, cần đảm bảo các quy định gì?

PGS.TS Lê Trung Thành: Cát biển có chứa lượng muối biển đáng kể, với thành phần chính là muối clorua nên có thể xảy ra vấn đề rửa trôi một lượng clorua ra môi trường xung quanh (đất, nước ngầm, nước mặt). Ảnh hưởng của muối clorua đối với môi trường xung quanh bao gồm: nguy cơ gây ăn mòn đối với kết cấu thép, kể cả với cốt thép trong bê tông; nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đất khu vực xung quanh.

Vì vậy, để sử dụng cát biển đạt hiệu quả làm vật liệu đắp nền đường giao thông, cần phải có quy định rõ ràng về độ nhiễm mặn cho phép đối với đất nông nghiệp, cây trồng nông nghiệp, mặt nước nuôi trồng thuỷ sản và các loại thuỷ sản liên quan.

Đồng thời, cũng cần đánh giá tác động môi trường dự án khai thác, chế biến và vận chuyển cát biển nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường biển, hệ sinh thái, sinh vật biển,...

PV: Liên quan đến đề xuất sử dụng 3,8 triệu m3 tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) làm vật liệu thay thế cát dùng trong san lấp, tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện thí điểm đối với dự án đường giao thông của địa phương, hoặc đường cao tốc, có sự tham gia của Bộ KH&CN, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng để đánh giá toàn bộ các tiêu chí theo quy chuẩn, tiêu chuẩn. Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

PGS.TS Lê Trung Thành: Mặc dù đã có một số nghiên cứu về tro xỉ nhiệt điện để áp dụng cho xây dựng nền đường bộ tải trọng nhẹ; một số nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Nhật Bản đã có tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về việc sử dụng tro xỉ trong xây dựng nền đường. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nước nào trên thế giới sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu đắp nền đường cao tốc.

a3-cat.jpg
Sử dụng cát biển thay thế cát sông trong xây dựng là lựa chọn hứa hẹn triển vọng, tiềm năng

Việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện thay thế vật liệu đất đắp trong xây dựng đường cao tốc cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ càng về khả năng chịu tải trọng động theo thời gian trong điều kiện ngập nước. Trước mắt tro xỉ nhiệt điện có thể được sử dụng trong thi công các cấu kiện bê tông, cầu bê tông, cầu cạn trong hệ thống đường cao tốc,... và nghiên cứu đẩy mạnh việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện trong thi công các công trình giao thông (đường cấp III trở xuống).

PV: Ngoài giải pháp sử dụng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu đắp nền đường cao tốc, trong bối cảnh nguồn cát tự nhiên đang thiếu hụt trầm trọng, theo ông, cần có những giải pháp gì trong thăm dò, quản lý, khai thác, sử dụng cát xây dựng để bảo vệ nguồn tài nguyên này?

PGS.TS Lê Trung Thành: Công tác thăm dò, quản lý, khai thác, sử dụng cát xây dựng để bảo vệ nguồn tài nguyên này cần được tăng cường chặt chẽ hơn theo đúng quy hoạch và phải tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định kỹ thuật chuyên môn để đảm bảo các loại cát xây dựng được sử dụng đúng mục đích, đối tượng là các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, công trình giao thông, thuỷ lợi,...

Đồng thời, các cấp, các ngành cần cụ thể hoá các chính sách, đặc biệt về thuế và môi trường, để khuyến khích phát triển và sử dụng cát nghiền, các vật liệu thay thế cát tự nhiên khác ngày càng rộng rãi hơn trong các công trình xây dựng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Đan (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng cát biển thay thế cát sông trong xây dựng: Tiềm năng đầy hứa hẹn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO