"Sốt ruột" với tiến độ dự án cấp nước an toàn cho miền Tây

Hùng Long| 27/11/2020 18:26

(TN&MT) - Sau những ngày ngập lụt, triều cường, miền Tây lại đối mặt với nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt có thể diễn ra gay gắt vào mùa hạn mặn sắp tới, trong khi đó dự án cấp nước an toàn - một giải pháp chiến lược, đã được Chính phủ phê duyệt từ hơn 4 năm qua, vẫn còn xa vời vợi… 

Những vũng nước ngọt tù đọng như thế này cũng trở nên quý hiếm ở các địa phương ven biển vào mùa hạn mặn

Kể từ sau đại hạn lịch sử - 2016, Dự án “Cấp nước an toàn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long” được đề ra, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư. Dự án này là giải pháp chiến lược giải quyết an ninh nguồn nước sinh hoạt cho miền Tây vào năm 2025, gieo nhiều hy vọng cho cư dân ở vùng giáp mặn, vùng ven biển.

Tuy nhiên, những năm gần đây hạn hán, xâm nhập mặn liên tiếp xảy ra vào mùa khô theo chiều hướng ngày càng gay gắt, phức tạp hơn dự tính của cơ quan chức năng. Gần nhất, mùa khô năm 2019 - 2020, cùng với nhiều thiệt hại về mùa màng, hạn hán, xâm nhập mặn khiến gần 100.000 hộ ở các địa phương ven biển lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt. 

Tình cảnh thiếu nước sinh hoạt xảy ra chủ yếu ở các hộ tự cấp nước (75.400 hộ) đồng thời nước mặn xâm nhập sâu, nguồn nước mặt bị nhiễm mặn, nguồn nước ngầm suy giảm cũng gây ảnh hưởng tới 167 công trình cấp nước tập trung, làm sụt giảm công suất, thậm chí có những công trình ngưng hoạt động, khiến 20.600 hộ được cấp nước từ các hệ thống tập trung cũng bị thiếu nước sinh hoạt.

“Việc chuyển nước ngọt về các địa phương ven biển đã diễn ra từ mấy năm qua" - A:HP

Hầu hết các địa phương ven biển, đều thiếu nước sạch cho cư dân sinh hoạt. Cụ thể, gồm các tỉnh: Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Đối tượng bị tác động trực tiếp là các hộ ở nông thôn, sử dụng nước giếng đào, lu, bể,… chứa nước, chưa được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung (hiện còn khoảng 5 triệu người). 

Đáng lưu ý, trong bối cảnh xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, nguồn nước ngày càng ô nhiễm, thì đến nay trong số 17,5 triệu người ở vùng đồng bằng chằng chịt kênh rạch này mới có 8 triệu người được cấp nước sinh hoạt từ hệ thống nước tập trung và chỉ có 55% đạt tiêu chuẩn quốc gia. 

Nhu cầu bức xúc về nước sạch sinh hoạt của hàng triệu người ở miền Tây là có thật. Đây cũng là tiềm năng thuận lợi để triển khai Dự án “Cấp nước an toàn cho vùng ĐBSCL” mà Bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới (WB) đã báo cáo đầu kỳ dự án tại miền Tây từ hơn 3 năm trước.

“Hoạt động cứu trợ nước ngọt cho cư dân các địa phương ven biển cũng diễn ra phổ biến” (A: HT).

Tuy nhiên, 4 hợp phần dự án xây dựng hệ thống cấp nước vùng - liên tỉnh, với nhà máy nước công suất 300.000m3/ngày đêm, lấy nước sông Hậu, truyền tải theo đường ống, trạm tăng áp,... tới 7 tỉnh, thành phía Tây Nam sông Hậu (TP.Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, một phần của Kiên Giang, một phần của An Giang), phục vụ 9,4 triệu người,… vẫn còn xa vời vợi. Riêng khâu lập dự án khả thi (Dự án chuẩn bị dự án) đến cuối năm 2019 vẫn còn loay hoay việc ghi nhận ý kiến tham vấn các địa phương. Kế hoạch thực hiện các bước chuẩn bị đã không đạt tiến độ hoàn tất vào tháng 3/2019 - như đã công bố đầu kỳ.

“Quá trình triển khai dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL kéo dài, ảnh hưởng đến việc hạn chế khai thác nước ngầm gây sụt lún. Do đó, chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng sớm triển khai Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL”, ông Huỳnh Quốc Ca, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu, kiến nghị.

“Việc xử lý nguồn nước sông Hậu chuyển về các địa phương ven biển phục vụ sinh hoạt cho cư dân vẫn còn xa vời vợi”

Đến dầu năm 2020, đại diện bộ phận phụ trách dự án của WB, đến làm việc với chính quyền địa phương ở miền Tây còn cho biết dự án này vẫn đang lộ trình thảo luận giữa Bộ Xây dựng với các Bộ ngành liên quan và đề nghị đổi tên thành “An toàn cấp nước tích hợp ĐBSCL”, với tầm nhìn mới là ngoài việc cấp nước để sử dụng còn xử lý nước thải, phát triển bền vững cho an ninh nguồn nước ĐBSCL.

Tiến độ triển khai dự án kéo dài, trong khi hạn mặn xảy ra thường xuyên, gay gắt hơn dự kiến nên nhiều cán bộ chức năng các địa phương lên tiếng kiến nghị Trung ương có biện pháp rút ngắn lộ trình, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, để cư dân ven biển miền Tây sớm thoát cảnh khốn khó về nước sinh hoạt khi vào mùa hạn mặn là chính đáng và cần được ghi nhận, xem xét.

Tổng vốn đầu tư dự án tổng thể “Cấp nước an toàn cho ĐBSCL” là 1,7 tỉ USD. Trong đó, riêng Dự án chuẩn bị, khoảng 440 triệu USD (vay của WB là 400 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 40 triệu USD). Bước đầu WB tài trợ 7 triệu USD để chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và cam kết tài trợ 400 triệu USD để đầu tư dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Sốt ruột" với tiến độ dự án cấp nước an toàn cho miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO