Sông bị “bức tử”
Có mặt tại thôn Tây Kỳ Nhơn (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang) nơi mà dòng sông Phổ Lợi chảy qua, PV cảm nhận được thực trạng ô nhiễm môi trường đang “hoành hành”, đe dọa đến cuộc sống sinh hoạt của bà con nơi đây. Dòng sông Phổ Lợi trong xanh trước đây phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì nay nước đen ngòm, sủi bọt; mùi hôi thối len lỏi vào từng ngõ ngách, góc nhà của người dân.
Theo ghi nhận, một đoạn sông Phổ Lợi chưa đầy 300m thế nhưng hàng trăm thứ rác thải như vỏ chai nhựa, bịch ny lông, xác động vật... do nhiều hộ dân thiếu ý thức vứt nổi lềnh bềnh dày đặc trên mặt sông, đã khiến nước sông đổi thành màu đen kịt.
Theo nhiều người dân sinh sống nơi đây, tình trạng này đã xảy ra hơn 5 năm qua, khiến cả con sông bốc lên mùi hôi thối, nhất là vào buổi trưa nắng gắt. Để hạn chế mùi hôi thối bốc lên, không còn cách nào khác, các hộ dân sống dọc bờ sông luôn phải đeo khẩu trang, thậm chí là phải “nín thở” khi đi ngang nơi này.
Anh Nguyễn Văn Duy (37 tuổi, thôn Tây Kỳ Nhơn) cho hay, trước đây khi con sông Phổ Lợi này chưa bị ô nhiễm nước rất trong sạch có thể nhìn thấy cả đáy sông, người dân trong vùng vẫn thường dùng nước sông để sinh hoạt và sản xuất...
“Vậy mà gần đây sông ô nhiễm ngày càng nặng do nhiều hộ dân thiếu ý thức vứt rác trực tiếp xuống. Những hôm gió mùa thổi mùi hôi từ sông bay vào khu dân cư, khiến nhà nào cũng phải đóng kín cửa vì mùi hôi rất nặng. Nước ô nhiễm quá nên người dân cũng không dám lấy nước để sử dụng cho sinh hoạt cũng như sản xuất vì sợ cây cối bị ảnh hưởng, thậm chí chỉ cần lội nước sông một lúc là sẽ dị ứng da ngay. Với gia đình tôi, mỗi lúc ăn cơm là như một sự tra tấn bởi mùi hôi thối bốc lên từ con sông khiến mọi người trong nhà không ai chịu được”- anh Duy bức xúc.
Nhiều người dân cho biết thêm, trước đây để đảm bảo cảnh quan môi trường cho con sông, có một số bạn trẻ tình nguyện tới khu vực này lội xuống hốt rác, đem bỏ vào bao rồi lấy tiền túi thuê xe chở rác đi, nhờ đó mà con sông trở nên sạch đẹp hơn, song chỉ vài ngày là đâu vào đấy. Dòng sông lại ngập tràn rác do nhiều hộ dân thiếu ý thức thải ra. Cứ thế vấn đề ô nhiễm càng gia tăng...
Cần giải pháp xử lý
Ông Nguyễn Hữu Toàn- đại diện UBND xã Phú Thượng cho biết, hiện tại xã đã có hợp đồng với công nhân thu gom rác là mỗi tháng 5 lần xuống dòng sông thu rác. Ngoài ra, trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri với người dân, chính quyền thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con có ý thức trong bảo vệ môi trường, nhất là khu vực dọc dòng sông Phổ Lợi.
“Do ý thức của nhiều hộ dân còn kém đã khiến con sông này trở nên ô nhiễm trầm trọng. Thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ có những chế tài giám sát, xử phạt đối với các hộ dân vi phạm bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, yêu cầu Công ty môi trường tăng chuyến, nhân lực để xử lý rác thải, tránh ứ đọng lâu ngày...”- ông Toàn thông tin.
Trước thực trạng ô nhiễm đáng báo động trên, đầu tháng 10 vừa qua, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trực tiếp đến kiểm tra tình hình môi trường tại sông Phổ Lợi và các con sông xung quanh.
Theo ông Thọ, sông Phổ Lợi là một trong những con sông đào lớn của tỉnh Thừa Thiên Huế, không chỉ là nơi cung cấp nước cho hàng trăm hecta lúa và hoa màu trên địa bàn Phú Thượng và một số xã lân cận của huyện Phú Vang mà còn tạo cảnh quan môi trường cho vùng nông thôn. Hiện nay con sông này đang bị ô nhiễm do rác thải từ chợ, các khu dân cư đổ ra và mật độ dày đặc bèo lục bình...
Vị Chủ tịch tỉnh đã yêu cầu huyện Phú Vang cần phối hợp với các sở, ban ngành liên quan có giải pháp xử lý vấn đề này, đồng thời dành khoản kinh phí cho việc xử lý bèo lục bình.
“Chính quyền địa phương cần phải thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường để người dân tự giác thực hiện thu gom rác thải có hiệu quả; nhất là cần phải phát huy tinh thần xung kích của đoàn thanh niên và các tổ chức đoàn thể trong việc tổ chức các đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, vớt bèo lục bình, khơi thông dòng chảy qua đó đảm bảo tiêu thoát nước, nhất là vào mùa mưa lũ...”- ông Thọ nhấn mạnh.
Ông Thọ cũng yêu cầu lãnh đạo huyện Phú Vang ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng kè chống sạt lở hai bên bờ sông. Riêng một số cầu qua các con sông này, huyện cần xây dựng phương án cụ thể trên cơ sở tranh thủ ý kiến của Sở GTVT, trình UBND tỉnh xem xét. Trước mắt, cần duy tu, bảo dưỡng cho người dân lưu thông...