Thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Sơn La năm 2017, Sở TN&MT đã phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tham mưu triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2014; Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 31/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ môi trường…. Tập trung xử lý triệt để di dời 9 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, năm 2017 đã xem xét, trình cấp có thẩm quyền xác nhận 4/9 cơ sở đủ điều kiện ra khỏi cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu, Mộc Châu, Mường La, Đa khoa Thảo Nguyên Mộc Châu; còn 4 cơ sở đang lập dự án và tiến hành đầu tư; 1 cơ sở đã dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, đã tổ chức thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt 45 báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM, 10 đề án bảo vệ môi trường chi tiết, kiểm tra, xác nhận 12 cơ sở, thu dọn lòng hồ 2 cơ sở, 6 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, khoảng 50 kế hoạch bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường đơn giản.
Tiến hành 12 cuộc thanh, kiểm tra với trên 80 cơ sở, trong đó có 13 cơ sở khai thác khoáng sản. Kết quả, lập hồ sơ xử lý vi phạm với 6 cơ sở; lập biên bản nhắc nhở và hướng dẫn thực hiện đúng các quy định về môi trường với 60 cơ sở. Tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường do phát sinh nước thải sơ chế cà phê chưa qua xử lý với 37 cơ sở.
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2017 theo kế hoạch cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Hoạt động thanh, kiểm tra đã phát hiện, xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường ở cấp huyện chưa được quan tâm, tập trung để giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm ở cấp huyện về môi trường. Tiến độ triển khai các dự án, đề án về bảo vệ môi trường còn chậm. Sự phối kết hợp giữa các ngành trong triển khai các dự án xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng còn hạn chế.
Cán bộ có nghiệp vụ chuyên môn, đặc biệt là chuyên môn sâu về môi trường, kiến thức quản lý nhà nước về môi trường còn hạn chế. Cán bộ làm công tác quản lý môi trường cấp huyện, thành phố, xã còn chủ yếu kiêm nghiệm nhiều việc. Đặc biệt, cấp xã mới có chức danh cán bộ địa chính – xây dựng nhưng kiêm nhiệm làm công tác quản lý môi trường còn ít và chưa có chuyên môn về môi trường.
Về kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2018, tỉnh Sơn La đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, sẽ tập trung xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản tập trung. Đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế với 2 bệnh viện tuyến huyện. Hoàn thành cải tạo môi trường Bãi chôn lấp rác thải rắn bản Khoang, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La. Điều tra, đánh giá, tìm kiếm, đề xuất nguồn nước bổ sung, dự phòng, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng nước phục vụ sinh hoạt trong khu vực một số huyện, thành phố có nguy cơ gặp sự cố ô nhiễm nguồn nước hiện có.
Phấn đấu có trên 5 xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới đạt chuẩn tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Hoàn thành chỉ tiêu thu gom chất thải rắn khu vực nông thôn đạt 54%. Tiếp tục triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng 2030. Xây dựng và tổ chức triển khai Đề án bảo vệ môi trường trong sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La. Xây dựng kịch bản cập nhật, bổ sung ứng phó biến đổi khí hậu chi tiết riêng cho địa bàn tỉnh Sơn La.
Dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2018 là 111.514 triệu đồng, chi cho 40 nhiệm vụ. Hiện 13/40 nhiệm vụ theo kế hoạch đã được giao một phần kinh phí để triển khai thực hiện.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tập trung thảo luận về một số nội dung trong công tác bảo vệ môi trường, như cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân; đổi mới cách thức đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường; khó khăn trong bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Kết quả bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sơn La dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng còn tồn tại 7 hạn chế. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về môi trường được triển khai nhưng kết quả còn thấp; sự phân công phân cấp trong quản lý môi trường giữa các cấp, các ngành chưa rõ ràng, chưa gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Công tác hậu kiểm sau thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa tốt. Kinh phí phục vụ công tác bảo vệ môi trường còn hạn hẹp. Xã hội hóa trong xử lý môi trường ít được quan tâm, xây dựng mô hình có sự tham gia của người dân còn nhiều hạn chế. Công tác quản lý nguồn nước, nhất là nguồn nước sinh hoạt chưa được thực hiện đúng quy định pháp luật.
Trong thời gian tới, ông Bùi Đức Hải yêu cầu các cấp các ngành triển khai nghiêm túc Chỉ thị 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch bảo vệ môi trường năm 2018 đã được ban hành. Trong đó, đổi mới công tác tuyên truyền, có hình thức thiết thực, sát với người dân hơn, có địa bàn trọng tâm, trọng điểm. Giao ngành TN&MT rà soát, ban hành các quy định về cơ chế phối hợp trong công tác quản lý về bảo vệ môi trường tới các cấp, các ngành, gắn trách nhiệm người đứng đầu với nhiệm vụ này. Nghiên cứu cơ chế hình thành các tổ thu gom rác thải khu vực nông thôn…
Siết chặt công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, chấm dứt tình trạng coi đây là thủ tục để được cấp phép. Tăng cường công tác hậu kiểm sau thanh, kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ giữa cấp phép sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường, những nơi không đảm bảo về môi trường kiên quyết không cấp phép. Với các cơ sở chế biến cà phê bằng phương pháp ướt, trong khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước không cho sản xuất. Rà soát, bố trí kinh phí để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong năm 2018. Có hướng dẫn sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác cho công tác bảo vệ môi trường. Rà soát, sắp xếp tổ chức bố trí cán bộ từ cấp xã trở lên để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường…