Sơn La: Rà soát đất ở, đất sản xuất xen kẽ trong rừng đặc dụng
(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Kế hoạch số 128/KH-UBND, rà soát diện tích đất ở, đất sản xuất xen kẽ trong rừng đặc dụng trên toàn tỉnh. Thời gian thực hiện rà soát trong giai đoạn 2023-2025.
Đối tượng rà soát là các hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ, sản xuất trong các khu rừng đặc dụng; Ban quản lý các khu rừng đặc dụng.
Các nội dung rà soát gồm: Rà soát thực trạng sử dụng đất ở, đất sản xuất của các hộ gia đình, cá nhân xen kẽ trong rừng đặc dụng, đối chiếu với hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của cấp có thẩm quyền cho người dân (trường hợp cá nhân, hộ gia đình đã có GCN).
Trên cơ sở rà soát diện tích đất rừng đặc dụng theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, với diện tích đất không có rừng đang canh tác cây nông nghiệp, đất ở, điều chỉnh khỏi quy hoạch đất rừng đặc dụng, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân.
Trong quá trình rà soát, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng diện tích đất rừng đặc dụng không đúng mục đích. Với diện tích đã được giao, cấp GCNQSDĐ cho các Ban quản lý rừng đặc dụng, nếu có biến động về quy hoạch, đề nghị lập hồ sơ chỉnh lý GCN.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chỉ đạo các Ban quản lý rừng đặc dụng phối hợp với chính quyền địa phương rà soát đất ở, đất sản xuất xen kẽ trong rừng đặc dụng, lập kế hoạch quản lý với các diện tích xen kẽ.
Chỉ đạo Ban quản lý các khu rừng đặc dụng rà soát diện tích đất đã được giao quản lý (gồm diện tích đã được cấp GCN, diện tích đất quy hoạch cho rừng đặc dụng), đồng thời với việc rà soát diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Sơn La theo Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng đệm các khu rừng đặc dụng phát triển sản xuất, sử dụng nguồn vốn chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030... tạo thu nhập ổn định để các hộ dân yên tâm sản xuất, không phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
UBND các huyện Thuận Châu, Mường La, Sông Mã, Sốp Cộp, Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu, Vân Hồ chủ trì rà soát, lập kế hoạch quản lý với diện tích đất ở, đất sản xuất xen kẽ trong rừng đặc dụng.
Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, chủ rừng, UBND cấp xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân tại các khu vực rừng đặc dụng phối hợp rà soát, lập kế hoạch quản lý với diện tích đất ở, đất sản xuất xen kẽ, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp thực tế.
Các chủ rừng chủ động phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, lập kế hoạch quản lý với diện tích đất ở, đất sản xuất xen kẽ trong rừng đặc dụng.
Tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phối hợp với UBND cấp xã, các đơn vị thường xuyên tuần tra trên diện tích rừng được giao, tập trung truy tìm, xác định đối tượng vi phạm lấn chiếm đất rừng đặc dụng để ở, sản xuất; cung cấp thông tin đến các cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo quy định; chịu trách nhiệm chính với tài nguyên rừng được giao.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, thực hiện Kế hoạch nhằm đánh giá đúng tình hình sử dụng đất để quản lý chặt chẽ diện tích rừng đặc dụng hiện có, thu hút người dân tham gia bảo vệ, phát triển, nâng cao chất lượng rừng.
UBND tỉnh yêu cầu, việc rà soát đảm bảo khả thi, thống nhất, đồng bộ, toàn diện từ tỉnh đến cơ sở; chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để huy động các nguồn lực phù hợp với điều kiện, năng lực thực tế tại địa phương.
Kiên quyết giải tỏa, thu hồi diện tích rừng đặc dụng bị phá, lấn chiếm để trồng lại rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Tuyệt đối không để các đối tượng vi phạm sử dụng, sang nhượng diện tích đất do phá rừng, lấn chiếm đất rừng.