Ngay từ sớm, từng dòng người đã đổ về khu trung tâm tổ chức các sự kiện, với mong muốn được hòa mình vào tất cả các hoạt động của Lễ hội. Đây là lần thứ 6 Lễ hội được tổ chức, tạo điểm nhấn hội tụ và lan tỏa hàng năm trên địa bàn thành phố Sơn La vào mùa hoa ban nở.
Lễ hội Mùa hoa Ban năm 2019 được tổ chức với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao đặc sắc như: Hội thi Trại du lịch văn hóa; trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sắc, đặc thù của các xã, phường trên địa bàn Thành phố; Hội diễn nghệ thuật quần chúng khối xã, phường; các hội thi: Thêu khăn piêu, ẩm thực dân tộc, họa mi chiến, chọi gà, sinh vật cảnh; thi các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian: Đẩy gậy, kéo co, tung còn, tó má mẹ, đi cà kheo, bắn nỏ và thi bắt cá suối…
Điểm nhấn mới lạ của Lễ hội năm nay là hoạt động Trại Văn hoá và trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng nổi bật của 12 xã, phường trên địa bàn Thành phố Sơn La. Các gian hàng tại Trại trưng bày đã đem đến những không gian đặc sắc và độc đáo cho Lễ hội, giới thiệu, quảng bá về đặc sản nông nghiệp, ẩm thực, các giá trị văn hóa tiêu biểu, tài nguyên di sản văn hóa các dân tộc; tiềm năng du lịch của địa phương...
Bà Nguyễn Thu Hà, du khách Hà Nội phấn khởi: Dịp này tôi về thăm gia đình, tình cờ được tham gia Lễ hội hoa ban năm nay. Tôi thấy có rất nhiều nội dung hay, thú vị, nhất là tại các khu Trại văn hóa, chúng tôi được thưởng thức các món ăn dân tộc, trải nghiệm uống rượu cần, hương vị cà phê Sơn La…
Ông Cà Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Chiềng Sinh cho biết: Đảng bộ và nhân dân phường Chiềng Sinh chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi, mang đến Lễ hội năm nay bản sắc địa phương với những sản phẩm nông nghiệp của các HTX trên địa bàn. Chúng tôi thấy hội trại rất ý nghĩa, đậm đà bản sắc dân tộc của 12 xã, phường, từ trang phục đến những sản phẩm hàng thổ cẩm được trưng bày. Mong rằng, thời gian tới, thành phố Sơn La tiếp tục quan tâm, có những hoạt động ý nghĩa như trên, để thu hút đông đảo du khách.
Với phần thi ẩm thực dân tộc, các món ăn được lựa chọn từ những nguyên liệu tươi ngon, truyền thống và chế biến trang trí công phu mang đậm hương vị dân tộc Thái. Phần thi thêu khăn Piêu tạo ấn tượng với người dân và du khách, giúp du khách chiêm ngưỡng đôi bàn tay khéo léo và sự kỳ công của người con gái Thái khi thêu một chiếc khăn Piêu. Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái; đồng thời, là cơ hội để các thí sinh giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về sự khéo léo trong quá trình thêu khăn, để làm sao giữ gìn, bảo tồn nét đẹp này cho con cháu mai sau.
Hoa ban trắng, tượng trưng cho tình yêu thủy chung của nàng Ban và chàng Khum dân tộc Thái, vùng Tây Bắc. Một loài hoa của núi rừng Tây Bắc, nở trắng mỗi độ xuân về. Hoa ban trắng mang sắc xuân của đất trời, đã trở thành biểu tượng văn hóa, tâm hồn của nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng. Ai đã đến Sơn La vào mùa hoa ban nở, thì ấn tượng không thể quên với cảnh đẹp và sự quyến rũ của núi rừng. Cùng với tiếng trống, tiếng chiêng, những chàng trai, cô gái diện áo cóm, khăn piêu đi lễ hội. Những vòng xòe bên chum rượu cần ngát men say, ngả nghiêng mà không quên được!
Lễ hội Mùa hoa Ban năm nay nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ và đoàn công tác của Trung ương lên thăm, nói chuyện với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La (7/5/1959-7/5/2019).
Qua việc tổ chức Lễ hội, tạo không khí phấn khởi, khích lệ các tầng lớp nhân dân hăng hái hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2019. Đồng thời, giới thiệu, giữ gìn, bảo tồn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Quảng bá giới thiệu tiềm năng văn hóa và du lịch thành phố Sơn La, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, khách quốc tế đến tìm cơ hội đầu tư, giao lưu, hợp tác phát triển và hội nhập.
Một số hình ảnh tại Lễ hội do PV Báo TN&MT ghi lại: