Sơn La: Kiến nghị 3 nội dung để gỡ vướng trong quản lý đất nông lâm trường

Nguyễn Nga| 26/12/2021 17:09

(TN&MT) - Theo đó, tỉnh Sơn La đang đề nghị Bộ TN&MT sớm trình Chính phủ nội dung Công nhận quyền sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ cho người đang sử dụng ổn định đối với đất có nguồn gốc từ nhận khoán ổn định lâu dài theo Nghị định số 01/CP ngày 4/1/1995, Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 và các Nghị định sửa đổi của nông, lâm trường quốc doanh vào mục đích nông nghiệp theo hạn mức và quy định của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công kiến nghị 3 nội dung chính để tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong quản lý đất nông lâm trường.

Đây là các nội dung kiến nghị của tỉnh Sơn La, tại Hội nghị triển khai Dự án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng do Bộ TN&MT vừa tổ chức.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh công tác quản lý để phát huy hiệu quả đất đai nông lâm trường trên toàn tỉnh. Tỉnh đã thành lập 1 tổ công tác do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, tổ chức thực hiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai nông lâm trường. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng với đất nông lâm trường; từ đó, kiến nghị với Bộ TN&MT và các bộ, ngành Trung ương các giải pháp để tổ chức quản lý hiệu quả đất nông lâm trường.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT, từ năm 2013, tỉnh đã phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, dự toán xác định cắm mốc ranh giới, đo đạc bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000; đã lập hồ sơ địa chính để cấp GCN cho các Công ty nông lâm trường. Qua đó, đã xác định đường ranh giới trên 796km, 199 thửa, 51 mảnh bản đồ để cấp 1.760 mốc cho 12/12 nông, lâm trường trên toàn tỉnh.

Diện tích đã đo đạc là 31.532,48ha, trong đó, các công ty nông lâm trường đang quản lý 18.215,31ha; diện tích đã thu hồi, giao cho địa phương quản lý là 13.531,99ha. Sở TN&MT đang tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương cho phép lập dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với đất có nguồn gốc từ các công ty nông, lâm trường.

Điểm cầu tỉnh Sơn La.

Công tác kiểm soát, thanh, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, UBND tỉnh đã ban hành các công văn giao UBND các huyện chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ phần diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp đã chuyển giao cho địa phương.

UBND huyện đã giao Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm đất, sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Công tác lập phương án sử dụng đất với đất bàn giao về cho địa phương, các huyện đã hoàn thành đo đạc bản đồ địa chính, đang chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các phòng ban đơn vị liên quan xác định nhu cầu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030.

Theo đó, dự kiến phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất để đưa vào quy hoạch sử dụng đất theo nhu cầu của từng xã trên địa bàn huyện, để làm cơ sở lập phương án sử dụng đất; hoàn thiện việc lập phương án sử dụng đất đối với phần diện tích các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về cho địa phương quản lý theo quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT của Bộ TN&MT.

Tuy nhiên, do thiếu nguồn kinh phí nên tiến độ thực hiện Đề án quản lý đất đai nguồn gốc nông lâm trường trên địa bàn tỉnh Sơn La còn chậm. Qua quá trình tổ chức thực hiện quản lý cũng cho thấy nhiều vướng mắc, đối tượng và nguồn gốc đất từ các nông lâm trường quốc doanh khá phức tạp.

Hiện nay, phần diện tích đất đã bàn giao về cho địa phương song vướng mắc các hộ gia đình nhận khoán theo hình thức khoán trắng, đã đầu tư trồng cây lâu năm trên phần diện tích đất đó, đến nay giá trị đầu tư trên đất rất lớn, một số trường hợp UBND huyện thu hồi đất của người dân thì không được sự đồng tình ủng hộ.

Các đại biểu tham dự hội nghị của tỉnh Sơn La.

Các hộ dân có nguồn gốc là hợp đồng giao khoán với các Công ty nông, lâm nghiệp đã chia tách, chuyển nhượng, tặng cho qua nhiều chủ. Các hộ nhận chuyển nhượng đã chuyển sang các mục đích khác, trong đó có sản xuất, thương mại, trồng cây lâu năm….

Để tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước với đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường, tỉnh Sơn La đề nghị Chính phủ có cơ chế chính sách đặc thù để xử lý dứt điểm các khoản nợ không có khả năng thanh toán khi thực hiện không có hiệu quả các chương trình dự án của các Công ty TNHH nông nghiệp MTV lâm nghiệp được chuyển đổi từ nông, lâm trường.

Đề nghị Bộ TN&MT sớm trình Chính phủ nội dung Công nhận quyền sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ cho người đang sử dụng ổn định đối với đất có nguồn gốc từ nhận khoán ổn định lâu dài theo Nghị định số 01/CP ngày 4/1/1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 và các Nghị định sửa đổi của nông, lâm trường quốc doanh vào mục đích nông nghiệp theo hạn mức và quy định của địa phương. Trường hợp vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất.

Đề nghị Bộ TN&MT xem xét hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp diện tích đất các Công ty nông, lâm nghiệp đã bàn giao về cho địa phương nhưng hiện nay các hộ gia đình, cá nhân đã xây dựng công trình, nhà ở…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Kiến nghị 3 nội dung để gỡ vướng trong quản lý đất nông lâm trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO