Sơn La: Hỗ trợ hơn 18.000 tấn gạo cho hơn 94.000 nhân khẩu

30/06/2018 09:53

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa có quyết định phê duyệt Đề án trợ cấp gạo cho đồng bào dân tộc nghèo trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng tại 5 huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Sốp Cộp, Phù Yên và Bắc Yên, thông qua nguồn trợ cấp gạo bằng nguồn dự trữ quốc gia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Theo đó, sẽ tiến hành hỗ trợ 18.836 tấn gạo cho khoảng 94.058 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tại 5 huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Sốp Cộp, Phù Yên và Bắc Yên. Thời gian thực hiện đề án trong 7 năm, từ 2018-2024. Mức trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng.

Diện tích rừng ở các huyện trên có vị trí quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn, điều tiết cung cấp nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân tỉnh Sơn La. Tổng diện tích đất lâm nghiệp tại 5 huyện này là hơn 458.000ha, chiếm gần 50% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Người dân nơi đây đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, với tập quán canh tác chủ yếu trên đất dốc, còn tình trạng một bộ phận nhân dân phát nương làm rẫy, sống phụ thuộc vào rừng.

Trong giai đoạn 2012-2015, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ cho hơn 29.600 lượt hộ nhận khoán, khoanh nuôi, bảo vệ 104.482ha rừng; hỗ trợ hơn 13,4 tỷ đồng cho 2.335 lượt hộ và 35 cộng đồng trồng chăm sóc 510ha rừng phòng hộ, sản xuất; hỗ trợ 270.000kg gạo cho 4.756 lượt hộ nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ hơn 351.000kg gạo cho hơn 1.800 hộ nghèo ở thôn, bản giáp biên giới… Nhờ đó,  giúp người dân yên tâm trồng và bảo vệ rừng, chuyển đổi tập quán canh tác từ sản xuất nương rẫy sang trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Do đó, trong giai đoạn 2018-2024, nhằm tiếp tục trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng hiệu quả, tỉnh Sơn La đã xây dựng Đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng tại 5 huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Sốp Cộp, Phù Yên, Bắc Yên, trong thời gian chưa tự túc được lương thực.

Dự kiến, sau 7 năm thực hiện Đề án, tỉnh Sơn La sẽ bảo vệ được toàn bộ diện tích 141.160ha rừng hiện có; thực hiện trồng mới 1.674ha rừng trồng thay thế đất nương rẫy trên đất lâm nghiệp chưa tự túc được lương thực thuộc hộ gia đình, cá nhân tại 5 huyện trên. Người dân tại các huyện nghèo sẽ được giao đất, giao rừng ổn định, dần đáp ứng được lương thực tại chỗ, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Từng bước hình thành một số vùng trồng rừng tập trung, trồng cây đa mục tiêu, cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu phòng hộ.

Đồng thời, góp phần nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh Sơn La đạt 50% vào năm 2020, trung bình độ che phủ ở phạm vi 5 huyện thuộc Đề án là 55%. Tạo hành lang xanh bảo vệ vùng biên giới, giảm xói mòn đất, điều tiết nguồn nước cho hệ thống sông Đà và lưu vực sông Mã. Hạn chế tối đa tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Hỗ trợ hơn 18.000 tấn gạo cho hơn 94.000 nhân khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO