Nguồn cung sụt giảm mạnh
Thị trường BĐS đóng vai trò rất quan trọng; tuy nhiên trong 3 năm vừa qua, việc thanh kiểm tra rà soát và cắt giảm phương án giao đất đã khiến nguồn cung BĐS sụt giảm mạnh ở các phân khúc. Tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng không có dự án mới nào được phê duyệt, khởi công xây dựng. Đặc biệt các dự án nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội và nhà ở công nhân và nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương, nhiều dự án chuẩn bị triển khai nhưng cũng gặp khó khăn trong thủ tục pháp lý như lựa chọn chủ đầu tư, tình hình sử dụng đất, giao đất.
Trong năm 2021, tổng số dự án nhà ở thương mại của cả nước được hoàn thành là 172 dự án, bằng khoảng 60% số dự án so với năm 2020. Riêng trong quý I/2022, số lượng dự án hoàn thành chỉ có 22 dự án, bằng khoảng 47% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện tại, số dự án đang triển khai 1.216 dự án, số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư 39 dự án. Riêng đối với nhà ở xã hội, cả nước hiện có 339 dự án, tiến độ thi công rất chậm. Hầu hết mới chỉ khởi động lại thời gian gần đây sau gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ được công bố.
Đại diện một doanh nghiệp BĐS lớn tại Hà Nội cho biết, sau khi Chính phủ loại bỏ việc giao đất theo hình thức BT (Xây dựng - chuyển giao) đã ảnh hưởng lớn tới nguồn cung của thị trường BĐS. Hiện tại, để có dự án mới doanh nghiệp buộc phải tham gia đấu giá. Để thắng được trong các phiên đấu giá, doanh nghiệp phải cạnh tranh rất khốc liệt và giá trúng rất cao nên mặt bằng giá bán sản phẩm ra thị trường tại các địa phương liên tục phá đỉnh. Đây là nguồn cơn chính của các đợt sốt đất vừa qua.
Thêm vào đó, các ngân hàng lại đang siết chặt hoạt động cho vay khiến các doanh nghiệp rất lo lắng, lưỡng lự triển khai đầu tư dự án. Việc này tiếp tục làm tăng tình trạng mất cân đối cung cầu bất động sản; dự án có thể bị dở dang, thanh khoản thị trường BĐS giảm.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết: “Thị trường BĐS đang hy vọng cải thiện nguồn cung trong năm 2022 sau hai năm sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh, song việc thắt chặt dòng vốn đang khiến nguy cơ nguồn cung khó phục hồi. Các doanh nghiệp không đủ tiềm lực để thực hiện dự án cũng như hoàn thiện dự án để ra hàng ở thời điểm hiện tại - thời điểm được coi là nhạy cảm của thị trường BĐS. Vì vậy, nguồn cung BĐS sẽ diễn biến theo chiều hướng tiêu cực”.
Tháo gỡ thể chế
Trả lời tại phiên chất vấn trước Quốc hội kỳ họp thứ 3, khóa XV, liên quan đến nguồn cung thị trường BĐS, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, thị trường BĐS có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của cả nước. Chính vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn giúp thị trường phát triển bền vững là nhiệm vụ tiên quyết.
Hiện, Bộ Xây dựng đã phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Đồng thời tăng cường quản lý thị trường BĐS; tăng nguồn cung, nhất là tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho phân khúc thu nhập thấp…
“Trước mắt, bộ sẽ kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở, kinh doanh BĐS để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng… để thúc đẩy triển khai tạo nguồn cung cho thị trường. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực BĐS theo đúng quy định pháp luật; Các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển các dự án BĐS để góp phần tăng nguồn cung; tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả; ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo nhận định của các chuyên gia, chính sách pháp luật về đất đai ngày càng chặt chẽ đã tác động rất lớn đến nguồn cung của thị trường BĐS. Bên cạnh đó, quỹ đất tại các thành phố lớn vốn rất hạn hẹp, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng tăng mạnh. Do vậy, các cơ quan quản lý cần có chiến lược phù hợp để thích ứng trong tình hình bình thường mới, cũng như thực trạng của thị trường.