Sóc Trăng: Quan tâm bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển

13/08/2018 12:44

(TN&MT) - Trong những năm qua, tỉnh Sóc Trăng không ngừng triển khai các chương trình, dự án trồng rừng, nhờ vậy mà diện tích rừng nói chung, rừng phòng hộ ven biển nói riêng không ngừng tăng lên, góp phần tạo hành lang che chắn bảo vệ đê biển, hạn chế xói lở, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

rung
Việc trồng cây gây rừng ven biển, tạo vành đai bảo vệ đất đai, nhà cửa cho người dân luôn được tỉnh Sóc Trăng quan tâm thực hiện

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, trong thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ từ các cấp, các ngành trong việc triển khai dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển giai đoạn 2011 - 2020; dự án trồng mới, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn nhằm thích ứng với BĐKH, dự án chống xói lở, gây bồi trồng cây ngập mặn chống xói lở bảo vệ đê biển… nên trong năm 2017, tỉnh Sóc Trăng trồng mới thêm được gần 200ha rừng.

Nếu như năm 2016 tỉnh Sóc Trăng có 10.653,7ha diện tích đất có rừng thì đến cuối năm 2017 đã tăng lên 10.846,4ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ ven biển chiếm đa số với tổng diện tích gần 7.100ha. Hiện nay, ngoài diện tích rừng phòng hộ đã trồng 3,5ha, các cơ quan chức năng, hội, đoàn thể, địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai trồng cây gây rừng thuộc các dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển, dự án trồng cây ngập mặn chống xói lở bảo vệ đê biển ở các xã thuộc TX.Vĩnh Châu.

Song song với việc mở rộng diện tích rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, thì các ngành chức năng, chính quyền địa phương nơi đây cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ thuộc 3 huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và TX.Vĩnh Châu cho các hộ dân. Việc làm này đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất cao từ cộng đồng dân cư sống gần rừng và đây cũng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả của tỉnh Sóc Trăng trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

"Việc giao khoán bảo vệ, chăm sóc rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng không chỉ hạn chế được nạn chặt phá rừng trái phép, duy trì ổn định diện tích rừng trên các lâm phần được giao khoán, mà còn góp phần nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích họ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng..." - ông Trần Trọng Khiêm - Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cho biết.

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng còn phối hợp với các huyện, thị ven biển thành lập một số Tổ đồng quản lý để bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân. Nổi bật nhất là Tổ đồng quản lý rừng ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, TX.Vĩnh Châu, với 240 thành viên tham gia đồng quản lý 110ha rừng ngập mặn ven biển.

Ông Trần Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, TX.Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Tổ đồng quản lý rừng ngập mặn ven biển đang được đông đảo bà con ấp Âu Thọ B tham gia và thực hiện rất hiệu quả. Nhờ vậy, rừng phòng hộ nơi đây phát triển xanh tốt, từng ngày vươn ra biển, tạo thành một tấm lá chắn bảo vệ bờ biển, đồng thời cũng tạo sinh kế cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, hằng ngày họ bắt cua, ốc dưới tán rừng cải thiện đời sống ".

Để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, một mặt các cơ quan, đoàn thể tỉnh Sóc Trăng tiếp tục triển khai các chương trình, dự án trồng rừng ven biển, tạo vành đai vững chắc bảo vệ đất đai, nhà cửa cho người dân trước những thách thức từ BĐKH; ứng dụng mô hình mô phỏng chế độ thuỷ lực dòng chảy làm cơ sở thực hiện giải pháp vừa làm công trình, vừa trồng rừng đối với những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng xói lở.

Đồng thời, dịch chuyển thời gian trồng rừng đảm bảo cây con được trồng phát triển xanh tốt, không bị vùi lấp bởi phù sa, rác thải. Mặt khác, "Chi cục Kiểm lâm sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với việc bảo vệ rừng, đặc biệt là diện tích rừng phòng hộ ven biển" - ông Trần Trọng Khiêm cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng: Quan tâm bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO