Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Sóc Trăng), bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm thông tin, thực hiện công tác phối hợp trong phòng, chống tội phạm và vi phạm hành chính về tài nguyên và môi trường năm 2018, lãnh đạo hai Ngành đã chỉ đạo công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với 365 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ… trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 105 trường hợp với số tiền gần 1,8 tỉ đồng. Bên cạnh đó, hai Ngành còn phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng ở tất cả các mặt công tác khác, đặc biệt là trong trao đổi, cung cấp thông tin, thanh tra, kiểm tra…, từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý đúng quy trình, quy định của pháp luật, giải quyết dứt điểm các đơn thư, tin báo, phản ánh của nhân dân.
Công tác phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhân dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện; phong trào toàn dân tham gia các hoạt động về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh ở các cấp…
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng và Công an tỉnh đã thống nhất xây dựng Kế hoạch thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm hành chính về tài nguyên và môi trường năm 2019 với một số nội dung trọng tâm như: tiếp tục trao đổi thông tin, tài liệu về đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Đồng thời, thông tin cho nhau tình hình, kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên và môi trường cũng như những phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng để kịp thời có những đối sách đấu tranh phù hợp, đạt hiệu quả; trao đổi công tác chuyên môn, nghiệp vụ, nhằm nâng cao năng lực công tác cho cán bộ, công chức, viên chức của hai ngành, góp phần đảm bảo cho việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính về tài nguyên và môi trường theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu của mỗi Ngành.
Ngoài ra, phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường đến cộng đồng dân cư, các cơ quan, tổ chức…, đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường; xây dựng môi trường trong lành, phát động, xây dựng phong trào toàn dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và chấp hành nghiêm pháp luật về tài nguyên và môi trường, phòng chống suy thoái, sự cố môi trường.
Các đơn vị cùng cấp trực thuộc hai Ngành có trách nhiệm cùng nhau phối hợp rà soát, lập danh sách nắm chặt các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động có yếu tố tác động đến môi trường; thường xuyên kiểm tra việc quản lý, xử lý chất thải đối với các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong đó đặc biệt chú trọng đối với lĩnh vực y tế, chăn nuôi, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông thường, tái chế chất thải, khu công nghiệp, cảng cá Trần Đề, chế biến thực phẩm và thu mua, chế biến thủy sản.
Đồng thời, kiểm soát chặt tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên nước…, từ đó đề xuất các giải pháp, biện pháp quản lý, xử lý phù hợp, kịp thời; thường xuyên phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, có yếu tố tác động đến tài nguyên và môi trường; phối hợp lập kế hoạch mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường khi có yêu cầu.