Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn cho biết: Mặc dù chuyển đổi hình thức từ đốt thủ công thông thường sang đốt theo công nghệ mới, nhưng khi lò hoạt động vẫn gây ô nhiễm môi trường, khói lò vẫn nhả lên trời và dù có ống khói cũng chỉ giúp khí thải khuếch tán ra xa hơn, chứ chưa làm giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường.
Ông Nguyên Văn Túc – Thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn cho hay: Lò gạch thủ công được xây dựng ngay phía sau lưng trụ sở UBND Bắc Phú, vì thế, khi hoạt động, khói nhiều khi không thải ra từ ống thu mà tỏa ra xung quanh lò, bao phủ cả khu vực rộng lớn. Những ngày trời trở gió, khói lò quẩn vào khu dân cư khiến nhiều người bị tức ngực, khó thở, trẻ em buổi tối các gia đình hạn chế cho các cháu ra ngoài vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, sợ mắc các bệnh về đường hô hấp, cửa trong nhà thì đóng kín.
“Do đó, những người dân sống quanh vị trí hoạt động của lò gạch đang hết sức lo lắng lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đinh” – ông Túc nói.
Đặc biệt, đã nhiều lần đốt lò xả khói độc, gây ô nhiễm làm lúa bị cháy, hoa màu trồng xung quanh cũng bị hỏng. Cụ thể, cánh đồng nằm tiếp giáp với lò gạch hàng mẫu ruộng của các hộ dân bị cháy khi lúa đang ở giai đoạn trỗ đòng, riêng với gia đình chúng tôi nhà gần 3 sào ruộng trên cánh đồng này mỗi vụ được đền bù trong khoảng từ 700 – 800 nghàn, số tiền nói trên chẳng đáng là bao so với thiệt hại của người nông dân.
Trao đổi làm rõ vấn đề này với ông Nguyễn Văn Duyên – Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn cho biết: Ông Duyên thừa nhận đến thời điểm này vẫn còn 2 lò chưa được xử lý, cụ thể đó là trường hợp của ông Nguyễn Xuân Đương, sinh năm 1966 địa điểm xây dựng lò gạch là Khu Đồng Thảm, thôn Bắc Vọng. Trường hợp lò gạch còn lại là của Công ty cổ phần Bắc Vọng, địa chỉ xây dựng Khu Đồng Vẻn, thôn Bắc Vọng đứng tên ông Đào Ngọc Phú giữ chức vụ Giám đốc.
Đặt câu hỏi vì sao UBND xã Bắc Phú không quyết liệt xử lý các cơ sở lò gạch nói trên, ông Nguyễn Văn Duyên cho hay, về vấn đề này chính quyền xã đã có một, hai lần gửi thông báo tới hai chủ cơ sở lò gạch thực hiện việc dừng hoạt động, tiến hành các bước tháo dỡ.
Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường tại xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn ngày 23/3/2019 thì lò gạch thủ công nằm cách trụ sở của UBND xã Bắc Phú chỉ vài trăm mét vẫn còn gần như nguyên vẹn, từ hệ thống cột ống khói, các vỏ lò, cho tới những viên than được đóng ngay ngắn, xếp thành từng dãy dài trực chờ để đưa vào lò nung gạch. Ngoài ra, tại đây vẫn tồn tại hệ thống mái che rộng lớn xung quanh khuôn viên lò gạch, đặc biệt là bạt ngàn đống gạch được chủ cơ sở lò gạch cho công nhân xếp chồng sát nhau.
Trong khi đó, về phía UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã phải xử lý dứt điểm tất cả các lò gạch thủ công không đủ điều kiện hoạt xong trước ngày 31/12/2018, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 567/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu không nung đến năm 2020.
Thế nhưng, cho đến nay đã qua thời hạn gần 3 tháng sau sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội vẫn không được UBND xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn thực hiện? lò gạch thủ công (hay còn gọi lò úp vung) vẫn ngang nhiên tồn tại, khiến người dân trong khu vực, cũng như dư luân bức xúc đặt câu hỏi đến bao giờ chính quyền địa phương nơi đây mới xử lý dứt điểm các cơ sở lò gạch kể trên ?
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vụ vệc.