Sóc Sơn – Hà Nội: Cát tặc hoành hành, chính quyền có bất lực?

29/06/2018 11:01

(TN&MT) - Hoạt động khai thác cát, sỏi trộm diễn ra rầm rộ tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn khiến hàng chục nghìn m2 đất canh tác bị sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn...

(TN&MT) - Hoạt động khai thác cát, sỏi trộm diễn ra rầm rộ tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn khiến hàng chục nghìn m2 đất canh tác bị sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn đê điều, nhưng không hiểu tại sao vấn nạn này không được các cấp chính quyền xử lý dứt điểm khiến người dân vô cùng bức xúc...

Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc “công trường” khai thác cái, sỏi trái phép hoạt động rầm rộ tại khúc sông Cầu, chảy qua thôn Cốc Lương, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Theo ghi nhận của PV, hàng chục chiếc tàu hút và sà lan đang ra sức hút cát và sỏi. Những chiếc ống hút đường kính từ 20 cm đến 30 cm được các máy hút công suất lớn hoạt động liên tục, chẳng mấy chốc những chiếc sà lan vài chục khối được lấp đầy cát và sỏi.

Khi sà lan đầy cát, sỏi sẽ được điều khiển xuôi về điểm tập kết rồi sau đó tiếp tục quay trở lại để nhận cát, sỏi. Mỗi đêm như thế, một sà lan ít nhất đã lấy đi của khúc sông này hàng trăm mét khối cát, sỏi. Với hàng chục tàu như vây, tổng số lượng mỗi đêm lên đến hàng nghìn mét khối.
 
Video cát tặc lộng hành tại khúc sông Cầu, chảy qua thôn Cốc Lương, xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Hoạt động khai thác cát, sỏi  trộm tại đây rầm rộ đến mức ở bên kia bờ của dòng sông Cầu là huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) người dân cũng nghe rõ tiếng máy nổ, tiếng cát, sỏi va chạm vào thành thuyền khi được hút từ dòng sông.

Bà N.T.T - một người dân địa phương cho biết: “Chúng tôi ở bên này dòng sông nhưng đêm nào cũng nghe thấy tiếng máy nổ xình xịch của những thuyền hút cát trộm dưới sông. Đên nào mà có nhiều thuyền hút trộm, tiếng máy nổ, tiếng cát, sỏi va đập vào thuyền, tiếng người nói í ới dưới sông khiến gia đình tôi mất ngủ”.

Hậu quả của việc đào hút dòng sông là hàng chục nghìn mét vuông bãi bồi, bãi soi đang ngày đêm bị sạt lở nghiêm trọng. Những đường sạt lở tiến sát vào chân đê, đe dọa sự an toàn cho tuyến đê bao qua hai xã Tân Hưng và Trung Giã. Nguy hiểm hơn, bên trong đê này là gần 200 héc ta diện tích đất canh tác của nhân dân 4 thôn , Đạo Thượng, Cốc Lương của xã Tân Hưng và An Lạc, K20 của xã Trung Giã.

Với tình hình sạt lở và khoảng cách chỉ vài mét như thế này, không biết mùa lũ sang năm điều gì sẽ xảy ra với đoạn đê mỏng manh này.
m
Sạt lở đất do nạn cát tặc lộng hành.
Tương tự, một người dân khác cũng cho biết: “Trước kia sông Cầu chảy qua làng tôi nông và hẹp lắm, nhiều bãi bồi ra tận giữa sông, mùa cạn nước có thể lội qua bờ bên kia được mà không ướt quần. Nhưng vài năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát trộm diễn ra nhiều, khiến lòng sông sâu, các bãi soi, bãi bồi lở hết, có chỗ còn tiến sát vào chân đê”.

Được biết, tình trạng khai thác cát, sỏi trộm tại sông Cầu trên địa bàn xã Tân Hưng diễn ra trong nhiều năm nay, điều này được nhiều cơ quan báo chí phán ánh, nhưng đến nay dường như thực trạng này vẫn không hề thay đổi.

Theo đại diện UBND xã Tân Hưng, nguyên nhân khiến tình trạng khai thác cát, sỏi trộm hoạt động phức tạp không thể giải quyết triệt để như hiện nay, là do thẩm quyền và lực lượng của địa phương mỏng, không có đủ trang thiết bị để tiến hành bắt giữ, cũng như xử phạt.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Nghi - Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho hay: “Vấn đề này đã diễn ra từ nhiều năm nay rồi, cấp xã chúng tôi thẩm quyền có hạn. Hơn nữa lực lượng Công an xã thì được trả lương thưởng rất thấp, không thể lúc nào cũng ra sông trông coi được. Chúng tôi đã báo cáo lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn để có phương án giải quyết, vì lực lượng ở xã mỏng như vậy chúng tôi không làm gì được”.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Sơn – Hà Nội: Cát tặc hoành hành, chính quyền có bất lực?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO