Mới chỉ có mấy ngày đầu của kỳ nghỉ hè 2019 nhưng tại nhiều địa phương đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước vô cùng đau xót, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ nhỏ. Mới đây nhất trong 2 ngày 4 và 5/6 tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng và huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đã xảy ra 2 vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 5 em nhỏ. Còn vào cuối tuần trước trên địa bàn xã Bắc Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) đã xảy ra vụ đuối nước tập thể khiến 5 học sinh lớp 8 tử vong.
Quả thật, không thể liệt kê được hết những vụ trẻ nhỏ bị "hà bá" bắt chỉ trong vòng 2 tháng trở lại đây nhưng có thể thấy hầu hết đều là những vụ đuối nước tập thể rất thương tâm.
Theo số liệu công bố của cơ quan chức năng tại lễ phát động “Phòng ngừa rủi ro thiên tai liên quan đến đuối nước cho trẻ em, học sinh trong mùa mưa lũ” vừa diễn ra vào ngày 3/6 cho thấy, số trẻ em Việt Nam thiệt mạng do đuối nước dù đã giảm nhưng vẫn ở mức rất cao, khoảng 2.000 trẻ em/năm. Con số đau lòng này cao gấp 10 lần so các nước phát triển, cao hơn 5 lần các nước ASEAN, đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng đuối nước, nhất là trong dịp nghỉ hè ở nước ta.
Nỗi lo đuối nước đã trở nên ám ảnh với nhiều bậc phụ huynh khi mùa hè đến. Câu hỏi được rất nhiều người đặt ra lúc này là vì sao các phương tiện truyền thông liên tục cảnh báo, nhưng số vụ trẻ em đuối nước vẫn có chiều hướng gia tăng? Phải làm gì để không còn những cái chết thương tâm vì đuối nước?
Theo một số chuyên gia về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhận thức xã hội và người dân về phòng chống đuối nước còn hạn chế, nhất là các bậc phụ huynh. Sự giám sát, chăm sóc trẻ ở vùng nông thôn và vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm nhiều. Chính vì nhiều người lớn không hiểu điều đó nên không rèn luyện, hướng dẫn cho con trẻ biết bơi hoặc có kỹ năng để xử lý dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm. Cùng với đó việc việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức và các kỹ năng ứng phó và ngăn ngừa đuối nước cho trẻ em chúng ta cũng chưa làm được tốt và thường xuyên.
Thậm chí, nhiều trẻ em biết bơi nhưng vẫn chết đuối bởi các em không được trang bị kỹ năng mềm phòng chống đuối nước, nên chính các nạn nhân đã gặp phải những rủi ro đau lòng. Trong khi đó, môi trường sống xung quanh trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông ngòi, ao, hồ chằng chịt. Nhiều ngôi nhà, trường học, đường giao thông, nơi vui chơi gần sông ngòi, ao, hồ nhưng không có rào chắn, hay biển báo nguy hiểm. Đây chính là sự chủ quan và trách nhiệm của những người lớn khi chưa tạo dựng được môi trường sống, học tập, vui chơi cho trẻ thực sự an toàn.
Để không còn những đứa trẻ vô tội thiệt mạng do đuối nước, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em đã yêu cầu các cấp, các ngành nghiêm túc chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng về phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, đưa phong trào học bơi, phòng chống đuối nước có bước phát triển tốt hơn. Tạo chuyển biến tốt để giảm thiểu số người bị đuối nước hàng năm ở Việt Nam, đầu tiên là bằng mức trung bình của ASEAN, sau đó là của thế giới.
Cùng với đó, những người làm cha làm mẹ phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc bảo vệ, giám sát trẻ nhỏ. Đồng thời các cơ quan chức năng và báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các bậc phụ huynh, cần giám sát và quản lý con em mình trong thời gian nghỉ hè. Phối hợp với Đoàn thanh niên, các tổ chức xã hội, trường học để tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè bổ ích cho trẻ cũng như giám sát trẻ để giảm nguy cơ dẫn đến đuối nước.