Biến đổi khí hậu

Số hóa, sản xuất đa tầng để nâng cao giá trị cây xoài Đồng Tháp

Khánh Ly 28/08/2023 - 17:57

(TN&MT) - Tại xã Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), các hội quán của nông dân đang phát huy hiệu quả trong tập hợp các thành viên đổi mới cách thức sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng số để nâng cao giá trị nông sản. Trong đó, Minh Tâm hội quán đã có nhiều sáng kiến với mô hình “Cây xoài nhà tôi”.

Bán xoài, chăm xoài trực tuyến

Xã Mỹ Xương nằm ven sông Tiền nên có nhiều thuận lợi cho việc phát triển vườn cây ăn trái, chủ yếu là xoài. Diện tích xoài của cả xã lên tới 500 ha, sản lượng 6.000 tấn. Trong đó, có tới 485 ha đã có mã số vùng trồng, 60 ha áp dụng phương thức canh tác theo VietGAP, GlobalGAP. Đây là điều kiện thuận lợi để bà con nông dân áp dụng các giải pháp tổ chức sản xuất hiệu quả gắn với biến đổi khí hậu tại địa phương.

dt2-8-1-.jpg
Mô hình cây xoài nhà tôi ở xã Mỹ Xương

Chia sẻ về cách làm hay của Minh Tâm hội quán tại Tọa đàm "Phát huy vai trò cộng đồng trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn", ông Trần Phú Hậu, nông dân xã Mỹ Xương cho biết: Minh Tâm hội quán xã Mỹ Xương được thành lập vào ngày 9/9/2016 trên tinh thần tự nguyện, tự gắn kết để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất và mua bán sản phẩm với nhau cùng các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Từ đó đến nay, hội quán đã tập hợp hơn 80 thành viên.

Định kỳ các buổi sinh hoạt chung hàng tháng, các thành viên lại cùng nhau bàn bạc về thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, xử lý xoài hữu cơ, nghịch vụ, cách phòng trừ sâu bệnh trên vườn xoài nhà mình, nhất la áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, cùng hỗ trợ nhau nhiều mặt trong đời sống… Hội quán đã tích cực đóng góp công sức xây dựng xã Mỹ Xương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao ngày 11/8 vừa qua.

can-nang-cao-tinh-than-tu-luc-cua-xa-hoi-nong-thon-viet-nam-163808701-16921791441622141009256.jpg
Ông Trần Phú Hậu, nông dân xã Mỹ Xương chia sẻ về mô hình hay của Minh Tâm hội quán

Theo ông Hậu, “Cây xoài nhà Tôi” là mô hình hay, đáp ứng nhu cầu của người dân muốn sở hữu cây xoài, nhận được quả ngọt vào cuối vụ nhưng không phải tốn công đến vườn chăm sóc. Trước đây, nông dân Mỹ Xương bán cây trực tiếp rất nhiều. Từ cuối năm 2021 đến nay, họ đã biết ứng dụng nhật ký điện tử thông qua mã QR trên phần mềm facefarm. Với ứng dụng mã này, người mua “Cây xoài nhà Tôi” có thể theo dõi quy trình chăm sóc cây xoài.

“Sau khi bán cây xoài qua sàn thương mại điện tử, nhiều khách hàng biết đến chúng tôi hơn. Hội quán chúng tôi đã bán được hơn 70 cây xoài thông qua hình thức trên. Mặt khác, xã Mỹ Xương cũng đang triển khai nhật ký điện tử; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm xoài Cao Lãnh, thương mại hóa sản phẩm “Cây xoài nhà tôi” để quảng bá thương hiệu đến với người tiêu dùng một cách rộng rãi. Hình thức này giúp khách hàng và nông dân có thể trao đổi thông tin về phương thức canh tác, tiến trình sinh trưởng của cây trồng, dịch vụ mua bán sản phẩm... Qua đó, chính quyền với nhân dân cũng đoàn kết hơn, cùng nhau xây dựng Mỹ Xương trở thành xã nông thôn mới và xã thương mại điện tử” – ông Hậu chia sẻ.

Đa dạng hóa nguồn thu trên 1 diện tích đất

Hiện nay, Mỹ Xương không chỉ có sản xuất xoài độc canh mà còn sản xuất kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị. Cụ thể, trên một diện tích đất vườn xoài vừa sản xuất xoài an toàn theo hướng hữu cơ, vừa tận dụng những khoảng trống để trồng rau nuôi thỏ, lấy phân thỏ ủ phân hữu cơ bón lại cho cây xoài. Đào ao tận dụng phế phẩm từ trái xoài để nuôi ốc bươu đen tăng thu nhập.

Chia sẻ câu chuyện từ chính gia đình mình, ông Hậu cho biết, theo cách sản xuất đa tầng trên, 5.000m2 vườn nhà ông cho thu hoạch trên dưới 500 triệu đồng/năm. Mô hình tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp diện tích và chịu tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

bang-men-chao-quy-khach-copy1-1-.jpg
Số hóa sản phẩm cây xoài, khách hàng có thể tìm hiểu thông tin qua các mã QR

Việc tận dụng diện tích đất trống, sử dụng có hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp không những giúp nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, giảm chi phí sản xuất; mà còn tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thay cho thực trạng ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và kết tinh tài nguyên bản địa. Đây cũng mà minh chứng cho sự kết nối hài hoà nông nghiệp truyền thống với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh, tuần hoàn tiên tiến.

Ngoài sản xuất, từ tháng 7/2022, Mỹ Xương đã cho ra mắt mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp với 4 hộ tham gia để phục vụ khách đến tham quan trải nghiệm sản xuất nông nghiệp. UBND xã đứng ra thành lập trang fanpage: Làng du lịch trải nghiệm nông nghiệp Mỹ Xương trên mạng xã hội Facebook và Zalo (Trang thông tin xã Mỹ Xương) để phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Làng du lịch.

thu-hoach-xoai-1-.jpg
Du khách trải nghiệm hái xoài tại nhà vườn

Các nhà vườn tại Làng du lịch Mỹ Xương đã giới thiệu mô hình này ngay trong Lễ hội Xoài Đồng Tháp năm 2023. Tại đây, du khách được giới thiệu về mô hình “Cây xoài nhà tôi”, thưởng thức các món ngon đồng quê được chế biến từ xoài như: Lẩu xoài cá điêu hồng, bánh kẹp xoài, cá dứa kho tộ, cá tai tượng chiên xù chấm nước mắm xoài... Đặc biệt, nhà vườn cũng hướng dẫn khách du lịch cách thu hoạch cũng như bí quyết lựa chọn xoài cát chu Cao Lãnh ngon chính hiệu.

Những cách làm tốt, mô hình hay của chính những người nông dân chân chất đang giúp Đồng Tháp nâng cao giá trị của sản phẩm xoài – 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Số hóa, sản xuất đa tầng để nâng cao giá trị cây xoài Đồng Tháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO