Độc đáo trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên
Nấm là loại dược liệu có vị đắng, đậm đà, bổ dưỡng, nhưng hương thơm không đặc sắc. Hoa cúc có hương thơm, nhưng lại có vị không đậm đà. Sự kết hợp giữa hương hoa và vị nấm sẽ bổ trợ cho nhau về hương vị, làm tăng giá trị của sản phẩm trà mà không cần ướp hương hay dùng vị tổng hợp. Thế nhưng, hiện nay ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện vẫn chưa có sản phẩm trà nào có sự kết hợp giữa nấm và hoa. Với trăn trở này, nhóm sinh viên Khoa Sinh - Môi trường (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) đã bắt tay vào thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế biến, sản xuất trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên”.
Điểm thuận lợi của nhóm là tại khoa Sinh - Môi trường đã làm chủ được công nghệ nhân giống nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu. |
Sinh viên Trần Đình Trí, thành viên của nhóm chia sẻ, nấm Linh chi và Vân chi là dược liệu có tác dụng đào thải các chất độc và ngăn ngừa các khối u, chống lại các chất oxy hóa trong cơ thể. Việc kết hợp giữa nấm và hoa sẽ tạo ra một loại trà rất tốt cho sức khỏe. Để thực hiện mô hình này nhóm trải qua khoảng hơn 6 tháng mới đưa ra được công thức chế biến kết hợp giữa: Nấm Linh chi, Nấm Vân chi, Hoa Cúc chi, Hoa Atiso và Cỏ ngọt. Sản phẩm có tên gọi là “Trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên". Điểm thuận lợi cho nhóm là tại khoa Sinh - Môi trường lúc đó đã làm chủ được công nghệ nhân giống nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu; đồng thời có năng lực nhân giống nuôi cấy mô cây cúc chi và làm chủ công nghệ trồng hoa.
Đặc biệt, nhóm đã sử dụng phế phẩm nông nghiệp của cây keo lá tràm để trồng nấm, góp phần bảo vệ môi trường. Sinh viên Trần Đình Trí cho biết thêm, khi người dân thu hoạch keo lá tràm bán cho các nhà máy chế biến giấy, phần phế thải rất nhiều. Bên cạnh đó, cơn bão số 9 năm ngoái đã làm hàng loạt cây keo lá tràm chưa đến tuổi thu hoạch đổ, ngã người dân không thể bán được. Nhóm nghĩ ngay việc phải chủ động nguồn nguyên liệu và lấy các cây hỏng này làm thử nghiệm để trồng nấm và đã thành công.
“Đầu tiên chúng em trồng trên chất là mùn cưa cao su, dần dần đã đạt được ứng dụng. Xuất phát thêm là từ các phế phẩm nông nghiệp như gỗ keo mà con người bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường và từ đó chúng em sử dụng làm các phế phẩm đó để trồng nấm. Một phần để cải thiện được nguồn sinh kế cho người dân và cũng góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay”- Sinh viên Trần Đình Trí cho hay.
Xây dựng thương hiệu “trà hoa nấm” made in Vietnam
ThS Nguyễn Thị Bích Hằng, giảng viên Khoa sinh - Môi trường (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) là người hướng dẫn nhóm sinh viên cho biết, nhóm đã khảo sát rất nhiều lần và khẳng định hoạt tính của sản phẩm được tăng lên khi phối kết hợp giữa hoa và nấm. Đây là sản phẩm đã được kiểm định an toàn tại Trung tâm Kiểm định chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 2 và Quatest 2.
ThS Nguyễn Thị Bích Hằng khẳng định hoạt tính của sản phẩm được tăng lên khi phối kết hợp giữa hoa và nấm |
Từ thành công ban đầu, “Trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên” đã được chính trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đặt hàng 1.000 sản phẩm làm quà tặng nhân các sự kiện, hội nghị của Nhà trường, nhất là dịp Kỷ niệm 45 năm thành lập và nhận được nhiều lời khen, phản hồi tích cực. Dự án của nhóm cũng tham gia Festival Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 do Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức và giành giải Nhất.
Trước những lợi thế về dinh dưỡng và dược tính mà dòng trà hoa nấm mang lại, nhóm định hướng khởi nghiệp với dòng sản phẩm này với mong muốn có được mặt hàng Made in Vietnam giá trị thực sự cho người Việt. Chiến lược phát triển này cũng giúp người nông dân địa phương ở huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng giải quyết được đầu ra của nấm dược liệu, cải thiện đời sống an sinh xã hội. Nhóm cũng mong muốn góp phần đa dạng hóa dòng sản phẩm trà, thúc đẩy canh tác hoa cúc dược liệu tại địa phương, vừa phục vụ du lịch, vừa phát triển vùng nguyên liệu cho chế biến.
“Trà túi lọc hoa nấm thiên nhiên” đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam |
“Lợi thế của nhóm là nghiên cứu nên cần kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đến ý tưởng của sản phẩm để thúc đẩy sản phẩm này ra thị trường. Nhóm sẽ chịu trách nhiệm về mặt nghiên cứu đạt chất lượng sản phẩm trong nước và ra quốc tế. Cần có một chiến lược để phát triển thị trường để nhân rộng mô hình trồng cây hoa cúc tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên vừa phục vụ cho du lịch và phục vụ cho sản phẩm nữa, thứ hai là đa dạng cây trồng nông nghiệp cho bà con nông dân” – ThS Nguyễn Thị Bích Hằng đề xuất.