Thấp thỏm, lo âu, đó là tâm lý chung của tất cả người dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao của huyện Sìn Hồ. Nhiều người dân sống lưng chừng núi, ven sông, suối hàng chục năm nay cũng không thể mường tượng ra cảnh mình phải sống cảnh “màn trời chiếu đất” chỉ sau vài đêm mưa lớn.
Trận mưa lớn kéo dài kèm theo lũ quét và sạt lở đất những ngày cuối tháng 6 tại Sìn Hồ đã cướp đi sinh mạng 12 người và 6 người mất tích dưới hàng nghìn mét khối đất đá. Đến nay, công tác tìm kiếm những người mất tích gần như đã tạm dừng. Họ sẽ mãi nằm yên trong đống đất đá trước nỗi đau của người ở lại.
Mưa lớn đã khiến hàng chục km đường giao thông liên xã, liên bản, tỉnh lộ nối trung tâm huyện Sìn Hồ với thành phố Lai Châu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ước tính có hơn 50.000m3 đất, đá từ taluy dương sạt lở che lấp mặt đường gây ách tắc giao thông, tắc đường cục bộ. Công tác khắc phục sạt lở gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến một số xã bị cô lập.
Ông Phàn Quang Nhàn, Chủ tịch UBND xã Căn Co, huyện Sìn Hồ, chia sẻ: Mưa lớn những ngày cuối tháng 6 đã gây sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn xã, có nhiều hộ nằm trong diện có nguy cơ sạt lở phải di dời tới nơi an toàn, nhất là tại các bản Là Cuổi và Là Cuổi I, nguy cơ sạt lở vẫn còn rất cao. Hiện tại, chính quyền địa phương đang nỗ lực để di dời những hộ dân có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do chưa tìm được mặt bằng cũng như khó khăn trong nguồn kinh phí để hỗ trợ di chuyển nên nhiều hộ dân vẫn phải ở lại.
Dẫn chúng tôi lên phía đầu bản, trưởng bản Vàng A Pao, bản Là Cuổi I, xã Căn Co, vẫn không hết bàng hoàng khi kể lại những ký ức kinh hoàng về trận mưa lũ lịch sử đã cướp đi sinh mạng của 2 người trong bản. Theo lời anh Pao, ngày 24/6, sạt lở bắt đầu diễn ra, lượng đất đá trên đồi cao su phía đầu bản trượt xuống đã khiến 1 nhà bị vùi lấp hoàn toàn, 2 nhà bị ảnh hưởng nhưng vẫn kịp di dời tài sản. Đến rạng sáng 25/8, tiếp tục một điểm sạt lở nữa xảy ra kéo theo 4 nhà bị trôi hết hoàn toàn đã khiến 2 người bị thiệt mạng. Toàn bộ tài sản của những hộ này cũng trôi theo dòng nước và vùi lấp dưới đống đất đá. Giờ cả bản Là Cuổi I có trên 60 hộ nằm trong nguy cơ sạt lở, cứ mưa to là người dân trong bản phải bỏ chạy, tập trung hết về phía nhà văn hóa để đảm bảo an toàn tính mạng…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Vương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, cho biết: UBND huyện đã di chuyển 78 hộ bi ảnh hưởng trực tiếp và nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới. Tuy nhiên, vẫn còn 119 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao; 200 hộ dù chưa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mưa lũ nhưng nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở mong muốn di chuyển đến nơi an toàn. Hiện chính quyền địa phương đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nỗ lực trong việc giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống sau lũ, cùng với đó, đề xuất kinh phí hỗ trợ, huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm để sớm di dời dân đến nơi ở an toàn.
Những mất mát từ trận mưa lũ lịch sử vừa qua sẽ là nỗi đau không thể nguôi ngoai trong một sớm một chiều. Nhưng trên tất cả, hàng trăm hộ dân đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao vẫn nơm nớp trước hiểm họa đang trực chờ, cần được di chuyển đến nơi an toàn. Nỗi lo sạt lở tại Sìn Hồ đang hiện hữu…