(TN&MT) - Gần đây, tình trạng khai thác đất, cát trái phép có dấu hiệu gia tăng, gây thất thoát nguồn tài nguyên, phát sinh bụi bẩn xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định. Vấn đề đặt ra làm thế nào để quản lý nguồn khoáng sản, nhất là khoáng sản chưa khai thác?.
Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Định, đến ngày 12/5/2019, toàn tỉnh hiện có 56 DN được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát tại các bãi bồi ven sông. Ngoài ra, có 8 DN khác được cấp phép khai thác đất san lấp tại các khu vực gò, đồi, núi phục vụ nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, gồm: Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc (xã Bình Nghị, huyện Tây Sơn); Công ty TNHH Hồng Phúc (khu vực núi Một, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát); Công ty TNHH Thanh Huy và Công ty TNHH Sản xuất thương mại Như Ý (xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn); Công ty TNHH Khải Hoàn Bình Định (núi Tranh xã An Hòa, huyện An Lão); Công ty TNHH Trọng Điểm (núi Chà Rây, xã Nhơn Tân) và Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Hiếu (khu vực Tân Hòa, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn); Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại dịch vụ Tổng hợp Thủy lợi (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ).
Vi phạm nhiều nơi
Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Định, đầu năm 2019 đến nay, các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương đã kiểm tra, xử lý 60 vụ vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, chủ yếu là khai thác đất, cát; xác lập hồ sơ, ra quyết định xử phạt khoảng 400 triệu đồng. Các địa phương để xảy ra sai phạm, gồm TP Quy Nhơn, huyện Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn,…
Ông Trương Bá Vinh, Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN&MT tỉnh Bình Định, đánh giá: “Việc xử lý các vi phạm trong khai thác khoáng sản nhằm răn đe, lập lại trật tự trong công tác quản lý; giảm thiểu nguy cơ thất thoát nguồn khoáng sản, bảo vệ môi trường, ổn định đời sống nhân dân”.
Bên cạnh những vụ việc vi phạm được phát hiện, xử lý thì vẫn còn nhiều vụ khai thác đất đồi, đất sét, cát dưới lòng sông chưa được xử lý. Thậm chí, một số xã, huyện có tình trạng bao che, buông lỏng quản lý, chậm trễ xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm, đặc biệt tại huyện Phù Cát. Ở địa phương này, hoạt động khai thác đất, cát trái pháp luật diễn ra “nóng” ở nhiều xã, nhất là xã Cát Tường, Cát Nhơn và Cát Lâm.
Mới nhất, vào đầu tháng 5.2019, nhiều hộ dân ở thôn Chánh Lý, xã Cát Tường tổ chức chặn xe, phản đối một số DN như Công ty TNHH Xây dựng Bình Diễm, Công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty TNHH Xây dựng Trường Quang,… ngang nhiên đưa máy móc vào khu vực núi Mò O để “tùng xẻo” đất. Không chỉ khai thác trái phép, một số DN lấy đất còn xâm phạm tới mồ mả của gia tộc họ. Chưa kể, bụi bẩn phát tán gây ô nhiễm trong quá trình khai thác, vận chuyển.
Trước đó, đầu tháng 4.2019, người dân thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm vô cùng bức xúc khi chứng kiến bờ suối cầu Bến Vịt ở địa phương bị “san phẳng” để lấy đất sét, cát trái phép. Không chỉ “khoét” tầng đất mặt và cát đưa lên xe ben chở đi tiêu thụ, các đối tượng còn đưa xe ủi đào móc, chặt phá bụi tre, cây cối. Thế nhưng, UBND xã Cát Lâm không có biện pháp xử lý và đổ lỗi do “lực lượng mỏng” (!).
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: “Tỉnh và huyện đã kiểm tra hoạt động khai thác đất trái phép tại núi Mò O. Các DN, cá nhân, tổ chức có sai phạm đều bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả xử lý vấn đề này sẽ hoàn thành trước ngày 20.5.2019. Riêng việc lấy cát tại suối cầu Bến Vịt, tôi đã chỉ đạo Phòng TN&MT huyện phối hợp với xã Cát Lâm tìm hiểu, xác lập hồ sơ xử lý theo quy định”.
Tăng cường quản lý, kiểm tra chấn chỉnh sai phạm
Lý giải về tình trạng khai thác đất, cát trái phép có chiều hướng gia tăng thời gian qua, ông Trương Bá Vinh, cho rằng: “Nhu cầu vật liệu xây dựng để phục vụ thi công cơ sở hạ tầng, công trình giao thông trên địa bàn tỉnh tăng cao gây nguy cơ khan hiếm nguồn cung. Một số DN lợi dung việc thực hiện các dự án đã “ngầm” thỏa thuận với người dân để khai thác đất, cát trái phép. Một số xã, huyện chưa thường xuyên kiểm tra hoặc buông lỏng công tác quản lý khoáng sản hoặc chậm xử lý vi phạm. Mặt khác, chế tài xử lý trong lĩnh vực này còn thấp chưa đủ sức răn đe,…”.
Nhằm hạn chế các hoạt động khai thác đất, cát trái phép, Sở TN&MT tỉnh Bình Định đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương cần nghiêm túc thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị 03/CT-TTg, ngày 30.3.2015 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17/CT-UBND, ngày 27.9.2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý và chấn chỉnh tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Sở TN&MT tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm xử lý các DN khai thác khoáng sản không tuân thủ theo quy định của giấy phép được cấp. Đồng thời, phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường, CA tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND cấp huyện, xã, phường, thị trấn tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.
Ông Trương Bá Vinh, khuyến cáo: “Ngoài bị xử phạt hành chính, buộc cải tạo, phục hồi môi trường, các DN khai thác đất, cát trái phép còn đối diện với nguy cơ không được thanh toán đối với khối lượng vật liệu thi công công trình”.