Rút gọn, bãi bỏ nhiều thủ tục liên quan quản lý khoáng sản

Mai Đan (thực hiện)| 02/11/2021 10:59

(TN&MT) - Thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT về công tác cải cách hành chính năm 2021, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã xác định đầy đủ những nhiệm vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực khoáng sản nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Xoay quanh nội dung này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Công Thủy, Phó Vụ trưởng điều hành Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Công Thủy, Phó Vụ trưởng điều hành Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam

PV: Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 (Nghị quyết 68). Ở lĩnh vực địa chất và khoáng sản, công tác này được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Thủy:

Thực hiện Nghị quyết 68, cũng như chỉ đạo của Bộ TN&MT, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã triển khai rà soát, xây dựng phương án cắt giảm đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, theo đó đã đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 28/32 thủ tục hành chính (TTHC).

Cụ thể, về TTHC cấp Trung ương, đối với cấp, điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản; cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư công trình, Tổng cục đề xuất bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Bộ TN&MT có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và quản lý hồ sơ, giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ. Đồng thời, sửa đổi về hình thức trả kết quả TTHC theo hướng phù hợp với yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, bãi bỏ các giấy tờ như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; văn bản xác nhận trúng đấu giá trong trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại khu vực đã có kết quả thăm dò (cấp Giấy phép khai thác khoáng sản); Báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo Quyết định phê duyệt của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (trường hợp Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ TN&MT phê duyệt).

Tổng cục cũng đề xuất, quy định bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử theo hướng bản sao chứng thực điện tử đối với các thành phần hồ sơ: Quyết định chủ trương đầu tư (đối với trường hợp nhà đầu tư trong nước), Giấy đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài); các văn bản chứng minh vốn chủ sở hữu hoặc bản đồ quy hoạch tổng thể khu vực xây dựng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường trường hợp được các Bộ, ngành, địa phương phê duyệt.

Cải cách hành chính trong lĩnh vực khoáng sản

Đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản, cũng như khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cần bổ sung thêm cách thức thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, quy định bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử để phù hợp với thực hiện trên môi trường điện tử theo quy định.

Bãi bỏ bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao có bản chính kèm theo để đối chiếu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bởi cơ quan thẩm định có thể khai thác trên cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Tổng cục đề xuất khi làm hồ sơ đóng cửa mỏ, bãi bỏ Giấy phép khai thác khoáng sản; quy định bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử theo hướng bản sao chứng thực điện tử đối với các thành phần hồ sơ: phương án cải tạo, phục hồi môi trường, kèm theo Quyết định phê duyệt; các văn bản chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ quy định tính đến thời điểm đề nghị đóng cửa mỏ; làm rõ văn bản chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ quy định.

PV: Cùng với bãi bỏ các TTHC và giấy tờ, hồ sơ không còn phù hợp, về thời gian giải quyết TTHC - vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm nhất, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề xuất giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Công Thủy:

Về thời gian giải quyết TTHC, đối với cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, Tổng cục đề xuất tổng thời gian cắt giảm từ 90 ngày xuống còn 84 ngày. Theo đó, giảm thời gian xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; giảm thời gian trả kết quả TTHC từ 7 ngày xuống 3 ngày làm việc.

Tương tự, đối với cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư công trình, Tổng cục đề xuất giảm thời gian xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ từ 5 ngày xuống còn 3 ngày làm việc; giảm thời gian trả kết quả TTHC từ 10 ngày xuống 3 ngày làm việc.

Khai thác khoáng sản

PV: Theo tính toán, việc cải cách TTHC sẽ giúp tiết kiệm được hơn 9,4 tỷ đồng, tương đương 7,98% chi phí tuân thủ TTHC. Để có được kết quả đó, Bộ TN&MT trước hết cần đẩy mạnh xây dựng cấu trúc quy trình lĩnh vực khoáng sản đảm bảo làm việc trên môi trường điện tử. Ông có thể chia sẻ về quy trình này?

Ông Nguyễn Công Thủy:

Quy trình thực hiện các TTHC cấp, gia hạn, chuyển nhượng Giấy phép thăm dò khoáng sản, trả lại Giấy phép thăm dò hoặc trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò khoáng sản; cấp, gia hạn, chuyển nhượng Giấy phép khai thác khoáng sản, trả lại Giấy phép khai thác hoặc trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản; Quyết định cho phép khai thác khoáng sản trong diện tích có dự án đầu tư xây dựng công trình; Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản được thực hiện đến cấp độ 3 trên môi trường điện tử.

Ngoài ra, công tác tiếp nhận, thẩm định hồ sơ thực hiện theo quy trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ hoạt động khoáng sản được Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ban hành tại Quyết định số 577/QĐ-ĐCKS ngày 15/7/2016, Quyết định số 1292/QĐ-ĐCKS ngày 12/12/2017 (trước đây); hiện nay, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 1980/QĐ-BTNMT ngày 14/10/2021. Theo đó, Quyết định số 1980/QĐ-BTNMT đã quy định 11 quy trình nội bộ thực hiện TTHC trong lĩnh vực khoáng sản.

Thời gian tới, nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục cải cách hành chính đối với lĩnh vực khoáng sản để đảm bảo làm việc trên môi trường điện tử, Tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rút gọn, bãi bỏ nhiều thủ tục liên quan quản lý khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO