(TN&MT) - Phá rừng và suy thoái rừng do khai thác gỗ vì mục đích thương mại, cháy rừng và khai thác gỗ làm chất đốt đã thải ra khoảng 20% khí gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân làm biến đổi khí hậu.
Ngày 21/3, được chọn là Ngày Rừng thế giới kêu gọi nhân loại toàn cầu nâng cao nhận thức tầm quan trọng của rừng vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Hiện nay, sinh kế của 1,6 tỷ người trên Trái đất phụ thuộc vào rừng. Rừng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp ôxy cho khí quyển và giữ lại lượng lớn CO2 thải ra. Rừng góp phần tích trữ nước cho các dòng sông, là nguồn cung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất thế giới. Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán… Tầm quan trọng của rừng còn thể hiện ở chỗ, rừng là hệ sinh thái có giá trị đa dạng lớn nhất và là nơi sinh sống của hơn một nửa các loài động vật, thực vật và côn trùng trên cạn…
Những giá trị của rừng đối với cuộc sống là rất to lớn. Tuy vậy, bất chấp tất cả những lợi ích vô giá của rừng về kinh tế, xã hội, sinh thái và sức khỏe, con người đang tàn phá rất nhiều các khu rừng cần cho cuộc sống và hơi thở.
Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã công bố một con số khiến nhiều người quan tâm, mỗi năm, có 130.000 km2 rừng trên thế giới bị biến mất do nạn phá rừng. Điều này khiến cho môi trường sống của 2/3 loài trên Trái đất bị thu hẹp, đa dạng sinh học bị suy giảm và với đà này trong tương lai không xa, loài người sẽ phải nói lời chia tay với 100 loài. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp, đất định cư, thu hoạch gỗ không bền vững, quản lý đất đai không hiệu quả… cũng là những lý do phổ biến nhất cho sự thất thoát rừng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Còn tại nghiên cứu mới nhất của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố: Nạn phá rừng trên quy mô toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức báo động, mỗi năm thế giới mất tới 13 triệu héc ta rừng, tương đương với diện tích của đất nước Bồ Đào Nha. Diện tích rừng bị mất hàng năm này làm gia tăng 6 tỷ tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính, gấp 3,6 lần lượng khí thải do các nhà máy điện và các nhà máy công nghiệp của Liên minh châu Âu thải vào khí quyển năm 2010 theo Chương trình Tín dụng khí thải của Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu.
UNEP xác định rừng có thể hỗ trợ giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 20ºC, mức tăng nhiệt độ an toàn để biến đổi khí hậu không đe dọa cuộc sống nhân loại vào cuối thế kỷ này, nếu giảm được 50% diện tích rừng bị mất vào năm 2030. Tuy vậy, để đáp ứng mục tiêu này, thế giới cần đầu tư từ 17 - 33 tỷ USD mỗi năm để trồng rừng và khôi phục các diện tích rừng bị mất.
Các nhà kinh tế thế giới đã chứng minh, nếu không lồng ghép các giá trị của rừng vào kế hoạch chi ngân sách, các quốc gia và các nền kinh tế sẽ phải trả giá đắt. Sự bần cùng hóa là tất yếu bởi việc gây tổn hại đến sự sống của rừng, trong khi rừng hỗ trợ cho đời sống hàng ngày của chúng ta. Cần xác định rằng, việc bảo tồn và phát triển rừng là một cơ hội kinh doanh. Khi đầu tư 30 triệu USD cho việc chống phá rừng và suy thoái rừng, chúng ta có thể nhận được 2,5 tỷ USD từ các sản phẩm và dịch vụ mà nó mang lại.
Hơn nữa, việc đầu tư vào lâm nghiệp có thể tạo ra hơn 10 triệu việc làm trên toàn thế giới. Hiện nay, các nhà lãnh đạo đang chỉ ra những tiềm năng của năng lượng tái tạo, nhưng để quá trình chuyển đổi diễn ra, vấn đề về rừng phải là một ưu tiên trong thể chế và chính sách. Rừng cung cấp các dịch vụ cơ bản và thiết yếu đảm bảo chất lượng cuộc sống. Và để trả lời cho câu hỏi về quản lý rừng bền vững, hướng tới một nền kinh tế xanh phụ thuộc vào hành động của chính con người.
Không nên cho rằng, rừng chỉ đơn thuần là những cái cây.