Kinh tế

Rừng của người Mông Tà Xùa

Thanh Ngà 08/11/2023 - 16:00

(TN&MT) – Đồng bào Mông ở Tà Xùa giữ rừng như giữ linh hồn, giữ trái tim của người dân trong bản. Bởi nhờ rừng mà cuộc sống của người Mông được ấm no, nhiều hộ biết dựa vào rừng để phát triển kinh tế, thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Rừng là nguồn sống của người dân

Sáng cuối thu, sương dày đặc giăng kín núi rừng Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) như thể xắt ra từng miếng khiến muông thú cũng tỉnh giấc muộn, những chú chim lảnh lót trong khu rừng mang tên Bác Hồ, đánh thức núi rừng bừng tỉnh trong sương sớm.

anh-2.-nguoi-dan-hat-luu-cham-soc-bao-ve-rung-.jpg
Rừng là nguồn sống, là sinh kế của người Mông

Trưởng thôn Tà Xùa - Phàng A Phà nở nụ cười rạng rỡ chia sẻ với chúng tôi: “ Đồng bào người Mông Tà Xùa ơn Đảng, ơn Bác Hồ nên giữ rừng cây mang tên Bác như giữ linh hồn, trái tim của người dân trong bản. Trên cánh rừng này trải qua nhiều mùa khô hanh, thiên tai bão lũ vẫn có nhiều loại cây gỗ to gần trăm năm tuổi, ít cũng hơn chục năm đã chứng minh cho quyết tâm của đồng bào người Mông Tà Xùa giữ đất, giữ rừng, giữ chế độ xã hội chủ nghĩa.”

Anh Phà phấn khởi cho biết thêm: “ Hàng năm người dân trong thôn đều được trả đầy đủ phí môi trường rừng, nguồn kinh phí này đã giúp nhiều gia đình trong thôn có nguồn thu ổn định để phát triển kinh tế, cũng là động lực để người dân bảo vệ rừng, Ở Tà Xùa diện tích được chi trả phí môi trường rừng là gần 1.300 ha, mỗi năm đồng bào trong thôn được chi trả gần 1 tỉ đồng phí môi trường rừng đây là 1 con số rất lớn đối với đồng bào Mông trong thôn. ”

Theo chia sẻ của anh Phàng chúng tôi trở lại bản Tà Xùa trên con đường bê tông phong quang, sạch đẹp. Dọc 2 bên đường lên khu rừng rêu cổ tích nổi tiếng với du khách gần xa hàng trăm loài hoa rừng đua nhau khoe sắc. Từ ngày huyện đầu tư phát triển du lịch phượt, du lịch mạo hiểm, mỗi năm Tà Xùa thu hút gần 70.000 lượt du khách đến bản. Người dân phấn khởi càng quyết tâm bảo vệ giá trị tự nhiên của bản mình.”

Anh Phàng A Xay là hộ gia đình được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 17.500.000 đồng/ năm cho biết: “Giữ rừng được rất nhiều lợi ích, không chỉ lợi ích phòng hộ mà còn được chi trả tiền bảo vệ rừng, phí môi trường rừng. Từ số tiền này mình có kinh phí đầu tư cho sản xuất chuyên canh lúa nếp nương. Loại nếp Lẩu La dẻo thơm, nhưng cần chi phí lớn. Vì vậy mỗi năm mình đầu tư gieo trồng khoảng 30 bao thóc, sau đó bán về phố huyện và giã bánh dày bán cho khách du lịch với giá từ 10.000 đồng – 15.000 đồng/ chiếc. Cuộc sống gia đình mình đã thay đổi hẳn. Có tiền tích trữ cho con cái đi học.”

Cũng giống như gia đình anh Phàng A Xay đồng bào Mông xã Bản Công đều đã được hưởng đa lợi ích từ rừng. Mỗi năm người dân trong xã được chi trả tổng số tiền trên 4 tỉ đồng phí môi trường rừng.

a4.jpg
Nhờ rừng mà cuộc sống của người dân được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

Ông Giàng A Trư – Chủ tịch UBND xã Bản Công chia sẻ: “Trước đây Bản Công luôn là xã gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế vì diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt trong top thấp nhất huyện. Nhưng tận dụng được lợi thế từ rừng, đặc biệt là từ số tiền được chi trả bảo vệ rừng, phí môi trường rừng hàng năm người dân đã có nguồn thu nhập ổn định, nhiều hộ đã biết biến số tiền đó thành nguồn đầu tư bền vững cho trồng cây đặc sản như lúa nếp, gà đen, khoai sọ...Từ đó, chế biến thành các món ăn ẩm thực đặc sản vùng miền thu hút khách du lịch, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng cao, nhiều hộ đã thoát cái nghèo”.

Cũng như ở xã Bản Công, việc chi trả phí môi trường rừng kịp thời đúng chính sách đã giúp nhiều hộ dân trong xã Xà Hồ có nguồn thu lớn góp phần ổn định cuộc sống, như gia đình anh Giàng A Câu ở thôn Sáng Pao xã Xà Hồ. Với diện tích được chi trả 30ha gần 22 triệu đồng/năm. Gia đình anh Câu đã tranh thủ đầu tư chăn nuôi Dê và gà đen bản địa. Khi đỉnh núi Tà chì Nhù trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn thì gia đình anh đã có nguồn cung ổn định cho các homestay dọc tuyến đường lên núi. Giờ đây anh Câu đã trở thành triệu phú trẻ của thôn Sáng Pao xã Xà Hồ, một điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương.

Anh Giàng A Câu chia sẻ: “Nếu chỉ trông vào bán ngô, bán lúa thì phải 2 năm nhịn ăn mình mới dư được số tiền trên, rất may nhờ chính sách của Nhà nước chi trả phí môi trường rừng đã giúp nhà mình thay đổi cuộc sống.”

Rừng được bảo vệ

Xã Xà Hồ có tổng diện tích được chi trả phí môi trường rừng 3.781,40ha, năm 2022 xã được thanh toán hơn 2 tỷ đồng. Ông Giàng A Sáy – Chủ tịch UBND xã Xà hồ cho biết: “ Nhờ được chi trả kịp thời, nên việc tuyên truyền người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng phòng cháy chữa cháy rừng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ở 7/7 thôn bản đã thành lập được các tổ đội ứng trực bảo vệ rừng. Việc trồng rừng mới năm nào cũng về trước kế hoạch.”

a3.a4.-nhung-canh-rung-o-ta-xua-van-giu-nguyen-ve-hoang-so-nho-lam-tot-cong-tac-bao-ve-rung.jpg
Những cánh rừng ở Tà Xùa vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ.

Hiện nay tổng diện tích rừng mà Ban quản lý rừng huyện Trạm Tấu thực hiện quản lý, khoán bảo vệ là 37.706,72 ha/37.706,72ha, đạt 100% kế hoạch.

Hàng năm đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc theo Chương trình, kế hoạch đã đề ra. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ giải pháp theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; kế hoạch của UBND huyện về công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Trạm Tấu.

Đồng thời ký cam kết phòng cháy, chữa cháy rừng đến các chủ hợp đồng và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng; phối hợp chặt chẽ với Hạt kiểm lâm và chính quyền địa phương tập trung triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp thực hiện công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, với tinh thần tập trung, quyết liệt. Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được kết quả quan trọng, rừng được quản lý bảo vệ cơ bản tốt.

Ban quản lý rừng phòng hộ huyện đã tổ chức ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng theo quy định của Chính phủ với 55 hợp đồng khoán và 6.103 hộ nhận khoán bảo vệ rừng; tổ chức nghiệm thu và hoàn thiện bổ sung các thủ tục thanh toán theo hướng dẫn. Riêng năm 2022 chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với số tiền trên 22 tỷ đồng; chi trả cho bên nhận khoán số tiền tương ứng.

anh-1.-bai-pr-quy-rung.jpg
Lợi ích từ giữ rừng đã giúp đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu thêm yêu đất, yêu rừng để từ đó giữ rừng thêm xanh mãi.

Ông Đào Công Trình – Giám đốc BQLR phòng hộ huyện Trạm tấu cho biết: “ Để đảm bảo công khai minh bạch chi đúng, chi đủ cho dân đơn vị thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng đến tài khoản của các cá nhân đại diện cho cộng đồng dân cư thôn. Cử viên chức, hợp đồng lao động trong đơn vị thực hiện niêm yết, công khai danh sách đối tượng, diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng; diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng số tiền được chi trả tại nhà văn hóa thôn, bản của các xã trên địa bàn huyện Trạm Tấu. Nhờ đó việc chi trả phí môi trường rừng đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho đơn vị trong công tác tuyên truyền người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng.”

Lợi ích từ giữ rừng đã giúp đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu thêm yêu đất, yêu rừng để từ đó giữ rừng thêm xanh mãi, để hôm nay đất rừng Trạm Tấu trở thành khu du lịch có vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ mê đắm lòng người, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Rừng Trạm tấu trở thành niềm tự hào và thật sự đã giúp đồng bào các dân tộc nơi đây nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng của người Mông Tà Xùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO