Rừng “co” - lũ to

07/08/2018 10:41

(TN&MT) - Những cơn giận dữ của thiên nhiên nhiều ngày qua là cách “đáp trả” thái độ ứng xử của con người với môi trường sinh thái.

Thiệt hại lớn

Từ ngày 2 - 5/8, các khu vực trên cả nước rải rác có mưa vừa đến mưa to với tổng lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm. Riêng khu vực miền núi phía Bắc xảy ra mưa rất to, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Thiệt hại nặng nề nhất được ghi nhận tại tỉnh Lai Châu, mưa lũ, sạt lở đất tại huyện Phong Thổ đã làm 6 người chết, 6 người mất tích và 3 người bị thương.

Tại tỉnh Bắc Kạn, mưa lớn làm 5 nhà bị ngập nước, 2ha nuôi trông thủy sản và 2ha diện tích lúa bị ngập nước. Ước tổng thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.

phá rừng
Tình trạng phá rừng là nguyên nhân gián tiếp gây nên trận lũ quét, ngập lụt

Tại tỉnh Lào Cai, 82 nhà dân bị ngập nước; 15 nhà bị sạt lở; 30,5ha lúa bị thiệt hại (12,5ha bị thiệt hại trên 70% và 18ha bị thiệt hại dưới 30%). Quốc lộ 4D bị sạt lở 1 vị trí với khối lượng khoảng 100m3; tỉnh lộ 159 bị sạt lở 3 điểm với khối lượng khoảng 1.000m3; 17 vị trí thuộc các tuyến đường huyện, đường xã bị sạt lở với khối lượng khoảng 2.180m3. Ước tổng thiệt hại khoảng 2,6 tỷ đồng.

 Trong khi đó, tại tỉnh Sơn La, quốc lộ 279D tại Km34+210 thuộc địa phận tỉnh Sơn La đã xảy ra sạt lở ta luy dương với khối lượng ước tính khoảng 6.000m3 gây ách tắc giao thông. Sở GTVT Sơn La đã cắm biển 2 đầu tuyến, phân luồng các phương tiện và chỉ đạo đơn vị bảo trì đường bộ huy động nhân lực, thiết bị để khắc phục, dự kiến đến ngày 7/8, sẽ thông xe tạm thời.

Trong khi các tỉnh miền núi phía Bắc căng mình chống chọi với sạt lở, lũ quét, lũ ống, ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long, sạt lở nghiêm trọng cũng đang diễn ra, đe dọa cuộc sống của hàng vạn người dân. Hiện tượng thời tiết cực đoan này lại có nguồn gốc sâu xa từ sự hủy hoại môi trường tự nhiên của con người.

Khai thác hay “khai tử”?

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 7/2018, diện tích rừng bị thiệt hại khoảng 720,3ha.

Nguyên nhân của tình trạng này được các cơ quan quản lý lâm nghiệp chỉ ra là do chính quyền địa phương cơ sở không thực hiện hết trách nhiệm quản lý Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, vai trò chỉ đạo, điều hành còn mờ nhạt, thiếu tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên. Một bộ phận cán bộ công chức các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là kiểm lâm địa bàn năng lực, nghiệp vụ yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không kiểm tra, phát hiện, tham mưu cho chính quyền xử lý kịp thời, thậm chí, còn biểu hiện làm ngơ, tiếp tay cho hành vi phá rừng trái pháp luật.

Đáng ngại là sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ, hầu hết các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép chậm được điều tra, xử lý và để kéo dài.

Thiệt hại khoảng 720,3ha mới là con số của riêng tháng 7/2018, nhìn lại bức tranh về rừng hơn thập kỷ qua cho thấy, mỗi năm, Việt Nam mất trắng 51.000 ha rừng, trong đó, 20.000 ha là chuyển sang mục đích khác, phần lớn là rừng tự nhiên đầu nguồn. Mặc dù, số rừng trồng hàng năm có tăng lên, nhưng độ che phủ và chất lượng rừng không thể được như rừng tự nhiên. Rừng mất kéo theo hệ lụy, khoảng 10% các loài chim, 25% các loài thú, 21% các loài lưỡng cư, bò sát và gần 400 loài thực vật đang đương đầu với nguy cơ diệt chủng. Biến đổi của môi trường sinh thái đã làm cho giá trị bị suy giảm đáng kể.

Số phận của nhiều loài gỗ quý như: Lim, sến, táu, gội, re hương, lát hoa, trầm hương, chò chỉ… cách đây không lâu rất phổ biến, nhưng giờ đây rất hiếm hoi. Các loài gỗ quý ở Tây Nguyên như trắc, cà chắc, cà te cũng ở tình trạng khan hiếm. Chỉ tính từ năm 1995 đến nay, các loài động vật có giá trị đều giảm số lượng xấp xỉ 50%.

Những trận mưa lũ lịch sử xảy ra trên cả nước thời gian qua, được các chuyên gia đồng tình rằng, tình trạng phá rừng là nguyên nhân gián tiếp gây nên trận lũ quét, ngập lụt. Diện tích che phủ rằng ở nước ta đang tăng dần khoảng 40%, trong đó, chủ yếu là rừng trồng. Những cây này có thảm thực bì nghèo nàn, không đủ sức cản dòng nước, gây ngập lụt, xói mòn sạt lở đất ở hạ du. Hệ lụy khiến ít nhất hàng trăm người chết và mất tích thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng.

 “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật” - Họa phúc có nguyên nhân không chỉ ngày một ngày hai. Cũng không phải cứ nơi nào xảy ra phá rừng, nơi đó gánh chịu hậu quả. Việc nhìn nhận những thảm họa thiên nhiên cần phải đặt trong một bối cảnh chung rộng lớn, thậm chí, cả ở tầm mức toàn cầu, khi hành vi của con người ở vùng đất này có thể mang lại hậu quả cho con người và các vùng đất khác ở rất xa.

Theo baotainguyenmoitruong.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng “co” - lũ to
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO