Rừng chết khô vì nắng

13/04/2015 00:00

Đang vào đỉnh điểm khắc nghiệt nhất của mùa khô đã khiến cho hàng loạt diện tích rừng phòng hộ huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) bị chết. 

BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đang nỗ lực tưới nước chống hạn cho rừng
BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đang nỗ lực tưới nước chống hạn cho rừng

Còn tại một số khu vực khác, nhiều cây trồng của dân cũng đang héo lá từng ngày, nếu không có mưa xuống sẽ tiếp tục chết…

Cây rừng chết hàng loạt

Theo đoàn liên ngành Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Đồng Nai xuống kiểm tra rừng phòng hộ Xuân Lộc và khu vực rừng tràm từ 1 đến 3 năm tuổi ở Đầm Voi (thuộc xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc), chúng tôi chứng kiến cây chết hàng loạt, lá rụng hết chỉ còn trơ lại những cành khô.

Ông Thái Văn Phượng, Trưởng phân trường Đầm Voi chia sẻ: “Tràm là loài cây chịu nắng hạn rất tốt nhưng cũng không chịu nổi cái nắng nóng như thiêu đốt của mùa khô năm nay thì những cây khác làm sao sống được.

Thấy cây chết nhiều, nóng ruột, chúng tôi phải chắt chiu từng chậu nước đem tưới cho cây nhưng cũng không thấm vào đâu vì cả khu rừng rộng bao la đang khát nước!”.

Tiếp tục đi sang khu vực rừng dầu từ 4 đến 5 năm tuổi, rất nhiều cây đã chết khô, những cây còn lại cũng rụng gần hết lá, xung quanh mặt đất khô nứt.

Nhặt những chiếc lá xanh dưới mặt đất lên, Phó GĐ BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc Đặng Khánh Tài giải thích: “Theo quy luật tự nhiên, thường lá khô mới rụng, đằng này lá xanh cũng bị rụng quá nhiều thế này chứng tỏ cây đang thiếu nước trầm trọng. Nếu trong những ngày tới trời vẫn không mưa thì những cây này sẽ chết!”.

Theo BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc, diện tích rừng tự nhiên được giao quản lý gần 10.400 ha, trong đó hơn 10.000 ha thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) và hơn 344 ha thuộc các huyện Tánh Linh và Hàm Tân (Bình Thuận).

Nếu theo quy hoạch loại rừng thì có gần 5.800 ha rừng phòng hộ và hơn 4.200 ha rừng sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 19.000 cây gỗ lớn chết/974,86 ha và số lượng cây keo lai chết từ 50-70%/12,26 ha.

Ông Hoàng Ðình Long, GĐ BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc lo lắng: “Mùa khô năm nay nắng nóng kéo dài và phức tạp nhất trong 10 năm trở lại đây. Ðiều này khiến cho diện tích rừng thuộc đơn vị chúng tôi quản lý nằm trong vùng cực kỳ nguy hiểm vì đã nhiều tháng rồi trên địa bàn chưa có mưa.

Do vậy, nhiều diện tích rừng trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực giáp ranh với tỉnh Bình Thuận, luôn hứng chịu khí hậu khô nóng của khu vực Nam Trung bộ”.

Theo ông Long, những cây trồng chết nhiều có độ tuổi từ 1 đến 3 năm. Ðối với những cây lớn hơn, do thiếu nước lâu ngày nên đang có hiện tượng rụng lá hàng loạt và nguy cơ sẽ chết trong vài ngày tới. “Trước việc khô hạn kéo dài, không chỉ cây rừng chết mà hàng loạt các loại cây trồng của dân như: cam, quýt, tiêu… cũng đang khô héo, chết dần vì nhiều nơi không còn nước. Để cứu cây người dân phải đầu tư khoan giếng nhưng nhiều giếng khoan sâu cả trăm mét vẫn không có nước”, ông Hoàng Ðình Long, GĐ BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết. 

Vì cây chết cục bộ và nằm rải rác trong rừng sâu khiến việc triển khai các phương án khắc phục cứu rừng gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, mùa khô còn kéo dài cho đến tháng 5. Việc nắng nóng gay gắt không những khiến cây trồng chết mà nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.

Thấp thỏm ngóng mưa

Trước tình hình số cây héo chết quá nhiều, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đã phải huy động tối đa lực lượng phun tưới nước nhằm cố gắng giữ cây rừng không để chết thêm diện tích.

Dẫn chúng tôi đến tham quan một số “điểm nóng”, ông Đặng Khánh Tài, Phó GĐ BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc tâm sự: “Những ngày qua chúng tôi liên tục huy động lực lượng tưới nước cho cây tại những khu vực có điều kiện bố trí tưới được.

Tuy nhiên, đây chỉ là phương án chữa cháy nhằm khắc phục tạm thời để cứu cây được phần nào hay phần đó. Bởi có những khu vực nằm quá sâu, đường đi hiểm trở khiến xe chở nước không thể chạy vào được thì đành chịu để cây chết, sẽ trồng cấy dặm sau”.

Theo ông Tài, dù đơn vị đã hết sức cố gắng để khống chế cây chết, nhưng cũng rất khó khăn vì nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Thậm chí ngay cả nước sinh hoạt còn thiếu, chứ đừng nói đến nước tưới cho cây.

Sau gần chục năm, bây giờ mới xảy ra hạn hán khắc nghiệt đến mức cây rừng cũng chết khô thế này. Chưa bao giờ ở vùng này mọi người đều thấp thỏm ngày đêm để mong trời đổ mưa cứu rừng như bây giờ.

Mùa khô 2014 – 2015, Đồng Nai là một trong những tỉnh hiện có nguy cơ cháy rừng cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Do vậy, cùng với việc tưới nước cứu cây rừng thì BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đã phải huy động tất cả lực lượng ngày đêm tuần tra, chốt chặn tại những khu vực trọng điểm để ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng xảy ra.

Với 6 phân trường trong lâm phận quản lý, gồm: Gia Huynh, Gia Phu, Láng Cát, Ðầm Voi, Núi Le và Trảng Táo, đơn vị đã tiến hành cày lấp thực bì, phát quang quét dọn lá rụng trên đường băng cản lửa. Tại các chòi canh ở phân trường, cắt cử người túc trực 24/24 nhằm phát hiện và ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu cháy xảy ra.

“Thời tiết đang trong giai đoạn đỉnh điểm của mùa khô nắng nóng gay gắt, lá rụng cây chết khô nên rất dễ cháy. Hơn nữa, trong mùa khô cũng là mùa của bà con thu hoạch nông sản, đốt nương, dọn rẫy, chỉ cần một sơ xuất nhỏ sẽ dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao khiến chúng tôi cũng như đang sống trên...đống lửa”, ông Long nói.

Trước việc khô hạn kéo dài, không chỉ cây rừng chết mà hàng loạt các loại cây trồng của dân như: cam, quýt, tiêu… cũng đang khô héo, chết dần vì nhiều nơi không còn nước. Để cứu cây người dân phải đầu tư khoan giếng nhưng nhiều giếng khoan sâu cả trăm mét vẫn không có nước”, ông Hoàng Ðình Long, GĐ BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc cho biết. 

Theo Nông nghiệp VN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng chết khô vì nắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO