UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ra quyết định thu hồi dự án nhà máy xử lý rác công nghệ cao Phương Thảo (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Do gặp nhiều khó khăn, đến nay nhà máy này đã “trùm mền”.
Đình trệ vì thiếu tính toán
Dự án do Công ty CP Xây dựng Phương Thảo làm chủ đầu tư, tổng vốn 192 tỉ đồng. Ban đầu, dự án xử lý rác thải sinh hoạt thành phân compost bảo vệ môi trường phục vụ nông nghiệp, được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2009 cho cá nhân bà Liêu Cát Phương Thảo, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Phương Thảo, quy mô công suất 200-300 tấn rác/ngày. Đến năm 2012, công ty được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, tăng vốn lên 238 tỉ đồng, thời gian hoàn thành vào đầu năm 2013. Để thực hiện dự án này, Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VDB Cần Thơ) đã cho công ty vay 200 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị, công nghệ từ châu Âu.
Tuy nhiên, sau khi khánh thành vào năm 2013, nhà máy chỉ hoạt động 1/5 công suất thiết kế nên không đủ chi phí vận hành, trả lương cho công nhân. Cầm cự được khoảng 9 tháng, nhà máy đã “đắp chiếu” nhiều năm liền. Ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, giải thích lý do nhà máy thất bại: “Phương pháp xử lý rác thành phân compost thì phải làm đúng quy trình là ủ rác, đảo trộn rồi yếm khí. Nhưng nơi ủ của nhà máy quá nhỏ, tiếp nhận 1 mẻ 200 tấn rác trong một ngày là đầy, trong khi quy trình xử lý mất tới 30 ngày mới xong 1 mẻ. Vì thế, rác của những ngày tiếp theo cứ chất đống, từ đó không đủ chi phí vận hành”.
Đến tháng 9/2016, nhà máy tái hoạt động và chuyển sang phương pháp đốt. Lúc này, đoàn chức năng của tỉnh Vĩnh Long và Bộ Tài nguyên và Môi trường đến nhà máy kiểm tra thì thấy rác không được xử lý hết, chất đống ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường nên ra quyết định xử phạt hơn 1 tỉ đồng. Lúc này phía nhà máy đề nghị UBND tỉnh ngừng tiếp nhận rác. Đến tháng 9/2017, nhà máy ngưng hoạt động.
Để giải quyết bài toán xử lý rác cho tỉnh Vĩnh Long, ông Đặng Văn Lượng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết sau ngày 31/12/2018, tỉnh sẽ thu hồi dự án và khẩn trương tìm nhà đầu tư khác thay thế.
Liên tục tạm ngưng
Trong khi đó, tình cảnh Nhà máy Xử lý rác Phú Quốc (ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cũng không sáng sủa hơn là bao. Nhà máy do Công ty CP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu làm chủ đầu tư với tổng kinh phí khoảng 230 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích đất rộng 10 ha, công suất xử lý 200 tấn rác/ngày. Nhà máy này đi vào hoạt động từ tháng 10/2017, sau đó tạm ngưng từ tháng 12/2017 do trục trặc về dây chuyền.
Đến tháng 7/2018, nhà máy rác này vận hành thử nghiệm trở lại nhưng tiếp tục gặp trục trặc kỹ thuật dây chuyền xử lý. Dù UBND tỉnh Kiên Giang và UBND huyện Phú Quốc nhiều lần gia hạn, tạo điều kiện để nhà đầu tư khắc phục sự cố nhưng rốt cuộc nhà máy vẫn không hoạt động đúng với cam kết đầu tư. Việc nhà máy chậm tiến độ, không hoàn thành và đưa vào vận hành xử lý rác thải như cam kết làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xử lý rác thải trên đảo Phú Quốc, lượng rác tồn đọng và chưa xử lý ngày càng nhiều. Mới đây, dự án này đã bị tỉnh Kiên Giang thu hồi.
Đáng nói là sau khi thu hồi, UBND tỉnh Kiên Giang đã bàn giao cho một nhà đầu tư mới nhưng vẫn lấy tên là Công ty CP Năng lượng tái tạo Toàn Cầu. Gần đây, nhà máy này đã bị người dân lên tiếng phản đối về việc người của nhà máy lợi dụng trời mưa để xả thải ra môi trường khiến cho dòng suối chạy ra biển đen sì làm cá chết, mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Cà Mau: Rác đổ vào rừng phòng hộ Tại Cà Mau, việc xử lý rác thải cũng bị trì trệ từ Nhà máy Xử lý rác thải TP Cà Mau. Ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Du lịch Công Lý (chủ đầu tư nhà máy), cho biết nhà máy đã vận hành trở lại sau nhiều tháng tạm ngưng hoạt động để bảo hành. Tuy nhiên, do còn điều chỉnh một số thiết bị nên hiện nhà máy chưa xử lý rác được nhiều. Trước đó, Nhà máy Xử lý rác TP Cà Mau xin tạm đóng cửa 3 tháng, kể từ tháng 7/2018, để sửa chữa, bảo trì. Sau khi hết hạn, chủ đầu tư tiếp tục xin gia hạn thời gian ngưng tiếp nhận rác thêm 3 tháng, đồng thời đưa ra các yêu cầu như tăng mức hỗ trợ xử lý rác, giao thêm 10 ha đất theo kế hoạch... nhưng không được tỉnh chấp nhận. Việc nhà máy này tạm ngưng hoạt động trong những tháng qua đã khiến hàng trăm ngàn tấn rác ùn ứ ở nhiều địa phương trong tỉnh. Một số huyện phải đổ rác ngoài rừng phòng hộ hay các khu vực gần khu dân cư khiến người dân không đồng tình. |