Ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, sự cố môi trường… là những cụm từ đang được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn xây dựng chính sách. Hơn bao giờ hết, quyền được sống trong môi trường trong lành, xanh sạch của con người là một yêu cầu cấp thiết và luôn cần được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, nhân dân đang sẵn sàng chờ đón và đặt niềm tin lớn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sẽ khắc phục, xử lý những bất cập, tồn tại về bảo vệ môi trường phát huy hiệu quả khi đi vào thực tế.
Niềm tin đó hoàn toàn có cơ sở, bởi điểm nhấn của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 là quyền của mọi người dân được sống trong môi trường trong lành. Bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường. Đây chính là "điểm cộng" rất lớn của Luật góp phần thôi thúc người dân đồng hành vì một môi trường xanh.
Rác được phân loại sẽ thành tài nguyên |
Cũng trong nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt vấn đề môi trường lên ngang bằng, thậm chí, cao hơn kinh tế. Trong phát triển bền vững, Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Coi trọng kinh tế mà xem nhẹ môi trường là sai lầm. Bảo vệ môi trường không thể chỉ dùng khẩu hiệu suông, mà phải xuất phát từ những hành động cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.
Nhất quán quan điểm không đánh đổi, hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng, Chính phủ xác định công thức 3 trong 1 của sự phát triển là kinh tế - xã hội và môi trường. Cũng từ thông điệp đó, rất nhiều địa phương thời gian qua đã áp dụng 3 trụ cột phát triển. 3 mục tiêu này không loại trừ nhau mà có sự bổ sung cho nhau, cùng hướng đến sự phát triển toàn diện cho đất nước.
Một trong những quy định thu hút sự quan tâm của dư luận tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 là cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định.
Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi muốn thay đổi công nghệ xử lý rác theo hướng hiện đại, thân thiện và hiệu quả hơn, muốn rác tạo ra nhiều giá trị hơn, quay trở lại phục vụ con người và làm giàu cho nền kinh tế, không còn cách nào khác là phải quyết liệt phân loại rác tại nguồn. Rác được đãi ngay từ hộ gia đình, từ mỗi cá nhân, dưới sự giám sát, hướng dẫn của các cơ quan có chuyên môn tình hình sẽ rất khác.
Cũng bởi thế, quy định xử phạt với người không phân loại rác từ nguồn được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là một bước đi rất quan trọng. Nhưng để cụ thể hóa bước đi đó, cần nhiều nỗ lực và quyết tâm hơn, cần vừa động viên hướng dẫn, vừa cưỡng chế thực thi mới có thể rút ngắn quá trình dịch chuyển và thay thế công nghệ xử lý rác thải, trước khi chúng ta kiệt sức vì trả giá cho môi trường.
Dịch chuyển nào cũng cần bắt đầu từ nhận thức và ý thức. Vì sao rác là tài nguyên và cần làm gì để rác trở thành tài nguyên, cần trở thành nhận thức của số đông, chứ không chỉ dừng lại ở tư duy của nhà quản lý.
Chúng ta có quyền kỳ vọng Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính là “đòn bẩy” thay đổi tư duy về môi trường để phát triển bền vững. Một tư duy xanh với những hành động xanh đang hình thành, tạo dòng chảy nhận thức mạnh mẽ trong đời sống phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.