Một Quyết định như cơn mưa “móc” làm dịu đi cái nóng trong lòng của hàng triệu con người. Gói 26 nghìn tỷ đồng hỗ trợ người lao động được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng theo tinh thần hết sức khẩn trương nhưng cũng đầy thận trọng, kỹ lưỡng, đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của đại đa số người dân.
Thực tế, dưới sự chỉ đạo từ rất sớm và quyết liệt của Thủ tướng, Quyết định đã được xây dựng thông qua nhiều cuộc họp, bàn thảo hết sức kỹ lưỡng để vừa bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, vừa đúng đối tượng; công khai, minh bạch, khách quan, công bằng cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhưng nếu vì vội vàng mà kém khả thi và không phù hợp thì tiền của Nhà nước sẽ thiếu đi ý nghĩa và người dân cũng không được thụ hưởng thật; nếu vì cầu toàn sự chuẩn xác mà chậm trễ thì đâu là sự cảm thông đồng hành của Chính phủ với dân? Vậy nên, không được phép chọn một trong hai, mà Quyết định này phải đảm bảo được cả hai điều kiện.
Hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân |
Một nội dung được thảo luận rất nhiều là việc hỗ trợ với nhóm lao động tự do. Trước đó, khi triển khai Nghị quyết 42, có những Tổ trưởng Tổ dân phố phải đi đến 8 - 9 lần mới gặp được người lao động tự do, bởi họ thường xuyên di chuyển, làm ăn xa hoặc đi sớm về muộn. Nên khi tiền đến tay dân thì cũng là lúc khó khăn tạm lắng lại rồi. Vì vậy, lần này, có ý kiến cho rằng, để Quyết định của Chính phủ được triệt để thực hiện, cần phải đưa nhóm lao động tự do ra khỏi danh mục thụ hưởng vì đây cũng là nhóm đóng góp ít cho xã hội.
Nhưng không! Cái dứt khoát của Thủ tướng không nóng vội mà thực lòng đã được nghĩ từ rất lâu và nhận được sự đồng tình của số đông. Dù việc triển khai có khó khăn tới đâu, dứt khoát phải bổ sung nhóm lao động này vào Quyết định; tất nhiên, sẽ phải linh hoạt trong cách áp dụng để sự hỗ trợ kịp đến với dân lúc khó khăn.
Yếm thế và yếu thế, ít có tiếng nói và đóng góp trong xã hội, những tưởng, sẽ tạm gạt sang một bên để ưu tiên cho những đối tượng sạch gọn hơn, sẽ được tung hô và Chính phủ được tiếng thơm hơn.
Nhưng, trong cuộc chiến này, không ai bị bỏ lại phía sau. Giống như một gia đình, đứa con nào gặp khó khăn nhất sẽ được bố mẹ ưu tiên nhiều nhất, anh chị em nhường nhịn cho nhiều nhất. Cái yếu tố gia đình nhắc ta nhớ lại câu chuyện trăm trứng, hay chuyện quả bầu… Có thể những câu chuyện kia được viết lên bằng huyền thoại, nhưng tình yêu thương gắn bó, nghĩa đồng bào này thì rõ ràng là một huyền thoại giữa đời thường.
Cha ông ta thường nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Câu nói ấy được Thủ tướng thường xuyên nhắc đến nhiều tại các cuộc họp bàn về chính sách hỗ trợ người dân. Trong đại dịch này, cuộc sống của hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn lúc nào hết, tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải gần dân, sát dân, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn.
Trong kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, không phải là số nọ số kia thu được bao nhiêu, mà điều quan trọng hơn cả, được quan tâm hơn cả, đó là vấn đề an sinh xã hội, là dù có lúc còn chậm trễ, nhưng không có ai ở bất cứ nơi nào phải thiếu ăn.
Từ những vấn đề ở tầm vĩ mô cho tới cụ thể; từ những thành phố lớn cho đến những thân phận nhỏ bé nhất trong cuộc sống; từ căn cơ, dài lâu cho đến miếng cơm manh áo thường nhật đều phải được quan tâm. Chỉ có thể là như thế mới không bị xô lệch trước cán cân đại dịch. Nhưng, có một niềm tin tuyệt đối để song hành, rằng, cái cán cân lớn nhất ở đây là cán cân vì dân, nghiêng về lòng dân. Cổ nhân từng có câu “đẩy thuyền là dân”. Quyết định hợp lòng dân sẽ đẩy con thuyền phòng chống dịch nhanh cán đích.
|