Gần đây, công luận tốn không ít giấy mực, cộng đồng xã hội đã gửi các câu hỏi thẳng thắn, bức xúc bởi các sự cố môi trường tới các cơ quan chức năng. Dù căng thẳng ra sao, dù sự phán xét của công luận quyết liệt đến đâu, đây cũng là bài học đắt giá cho một quy luật phát triển. Hậu quả nặng nề và khuyết điểm trầm trọng đã rõ. Vấn đề cần phải phán xét cho rõ cội nguồn và đặt các sự kiện trong bối cảnh chung để tìm ra cách xử lý vừa mang tính tổng thể, vừa cụ thể.
Thực tế, pháp luật là công cụ cần thiết nhưng trong vận hành chưa đem lại hiệu quả cao. Điển hình như thanh tra là hoạt động thường xuyên, là công cụ quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Tuy vậy, trong quá trình triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành môi trường còn không ít khó khăn, vướng mắc như: việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT còn kéo dài do nhiều đối tượng vi phạm trốn tránh hoặc không hợp tác; các vi phạm về BVMT ngày càng tinh vi, khó phát hiện, nhất là các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp….
Đã có nhiều trường hợp doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường chấp nhận đối thoại, thương lượng với người dân. Nhưng khi được yêu cầu bồi thường thiệt hại, doanh nghiệp lại yêu cầu chứng cứ rồi từ chối bồi thường thiệt hại cho người dân. Họ chỉ chấp nhận đền bù khi có kết luận của cơ quan chức năng. Mức độ thành công giải quyết tranh chấp môi trường phụ thuộc rất lớn vào sự “quyết liệt” vào cuộc của cơ quan Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức xã hội.
Do đó, ngoài các quy định về pháp luật, công cụ có tính hiệu quả nhất chính là người tiêu dùng. Người tiêu dùng là “công cụ” cuối cùng quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Thành công nếu sản phẩm hàng hóa tốt, rẻ, có thương hiệu, thân thiện môi trường được tiêu dùng nhiều. Thất bại khi người tiêu dùng quay lưng từ chối…
Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen hồi năm 2017 cho thấy, có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả cao hơn để mua sản phẩm/dịch vụ từ các công ty có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường. Người tiêu dùng đã tự thay đổi và đây là động lực lớn nhất để doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo.
Có thể thấy, người tiêu dùng đã nhận ra rằng, giá cả hàng hóa của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường dù có rẻ hơn sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất chân chính khác, tuy vậy, cái rẻ hơn ấy được đánh đổi bằng sức khỏe, bằng môi trường sống ô nhiễm, họ sẽ không sử dụng.
Người tiêu dùng bây giờ thừa biết, Việt Nam đâu còn cái thời nhà đầu tư nào vào cũng gật đầu, mà phải lựa chọn công nghệ, mức độ gây ô nhiễm hay các cam kết xử lý ô nhiễm môi trường.
Đầu tư cho môi trường có thể tốn kém trước mắt đối với một số thương hiệu có định hướng lâu dài. Thế nhưng, thương hiệu nào cam kết đầu tư một cách chuyên nghiệp thì có cơ hội lớn nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tín nhiệm từ người tiêu dùng.
Một thị trường xanh là thị trường hướng đến người tiêu dùng. Người tiêu dùng phải thật sự là “thượng đế”, là gốc cội của sự cạnh tranh. Muốn vậy, trước hết “thượng đế” phải biết cái thế của mình - cái thế cầm cán, cái thế biết thực hiện văn hóa “tẩy chay” ô nhiễm đúng nghĩa.