Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: Mục tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia về phân bổ, khoanh vùng đất đai cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương.
Đặc biệt, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước phải được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững nhằm phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước.
Tổng cục Quản lý đất đai đã chủ động thu thập thông tin, dữ liệu đầu vào về nhu cầu của các Bộ ngành, địa phương. Ảnh: MH |
Theo ông Chu An Trường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, triển khai thực hiện Nghị quyết 67 và Kế hoạch lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia của Bộ TN&MT, Tổng cục đã chủ động tham mưu Bộ TN&MT có Công văn gửi các Bộ ngành, địa phương yêu cầu Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 134/2016/QH13, đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở báo cáo của các Bộ và địa phương, Tổng cục đã tiến hành đánh giá thông tin tài liệu, rà soát nhu cầu của các địa phương; đối với các tỉnh báo cáo còn chưa đáp ứng yêu cầu, Tổng cục đã có văn bản yêu cầu bổ sung cụ thể các nội dung. Dự kiến trong trong tháng 3, 4/2021, Tổng cục sẽ tổ chức các Đoàn, Tổ công tác để làm việc với các Bộ ngành, địa phương và khảo sát thực địa.
Về phương pháp tiếp cận lập quy hoạch, theo Phó Tổng cục trưởng, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được triển khai theo phương pháp tiếp cận hai chiều (vĩ mô và vi mô) với sự tham gia của các Bộ, ngành và địa phương; các đối tượng của Quy hoạch sử dụng đất được đặt trong mối quan hệ tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực của nhiều yếu tố tác động đến việc sử dụng đất.
Cụ thể, sẽ nghiên cứu cơ bản về điều kiện tự nhiên, về địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn, các nguồn tài nguyên, thổ nhưỡng... làm cơ sở phân vùng các khu vực để quy hoạch bố trí sử dụng đất sử dụng đất phát triển bền vững; Phân tích xu hướng biến động của các loại đất trong thời kỳ 2011 - 2020 và xa hơn làm cơ sở dự báo nhu cầu đất đai; đồng thời là căn cứ để xem xét nhu cầu sát với thực tiễn của các địa phương.
Đặc biệt, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 còn xem xét tiêu chí “tĩnh” “động”, ví dụ như vẫn đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu, lũ lụt, lũ quét... Quy hoạch sẽ tiếp tục xác định bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa (3,3 - 3,5 triệu ha), đất rừng phòng hộ (5 triệu ha), rừng đặc dụng (2,2 triệu ha), đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và có chỉ giới đỏ khoanh vùng bảo vệ; tuy nhiên, trong đó vẫn xem xét tiêu chí “động” để có thể linh hoạt điều chỉnh giữa các địa phương (địa phương không có khả năng sử dụng hết chỉ tiêu phân bổ quốc gia sẽ chuyển cho các địa phương có nhu cầu) đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà vẫn đảm bảo chỉ tiêu tổng thể quốc gia đã quy hoạch khống chế.
Về phương pháp lập quy hoạch, ngoài các phương pháp thực hiện truyền thống đã sử dụng trước đây như: Phương pháp điều tra; phương pháp tổng hợp, phân tích và xử lý số liệu, bản đồ; phương pháp dự báo, phương pháp kế thừa… còn áp dụng một số phương pháp sau: Phương pháp phân tích định tính và định lượng; Phương pháp kết hợp phân tích vĩ mô và vi mô; Các phương pháp toán kinh tế và dự báo...
Tuy nhiên, theo ông Chu An Trường, chất lượng các thông tin đầu vào do các Bộ ngành, địa phương cung cấp còn chậm và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nguyên nhân chủ yếu do Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh không còn và nội dung quy hoạch được lồng ghép một phần trong quy hoạch tỉnh (do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh chủ trì), quy hoạch các tỉnh chủ yếu mới được triển khai; quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành do Bộ, ngành chủ trì chủ yếu mới đang trong quá trình lập nhiệm vụ hoặc mới bắt đầu triển khai.
Để đảm bảo đúng tiến độ lập các Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Tổng cục Quản lý đất đai kiến nghị Bộ TN&MT chỉ đạo, sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn chuyên gia quy hoạch trong nước thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý (gồm cả chuyên gia trong và ngoài Bộ); Tổng cục Khí tượng thủy văn phối hợp cung cấp số liệu quan trắc tại các trạm quan trắc thủy triều, xâm nhập mặn tại các trạm thủy văn; kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp chặt chẽ, trao đổi, cung cấp thông tin quy hoạch trong quá trình triển khai quy hoạch của lĩnh vực nhằm đảm bảo các quy hoạch được đồng bộ, không xung đột…
Đến nay, Tổng cục Quản lý đất đai đã nhận được Báo cáo đề xuất nhu cầu sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của 10/14 Bộ, ngành Trung ương; 41/63 tỉnh, thành phố.