Lò gạch thủ công nằm trên địa bàn thuộc xã Cộng Hoà, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội vẫn ngang nhiên hoạt động? |
Theo người dân nơi đây cho biết, năm 2003 do việc triển khai canh tác sản xuất trên khu vực đất nông nghiệp thuộc Sông Quán kém hiệu quả, không đảm năng suất, sản lượng. Vì vậy, UBND xã Cộng Hoà đã hoàn thiện các thủ tục ký hợp đồng cho ông Vương Trí Quý - Chủ cơ sở lò gạch thủ công nói trên thuê lại toàn bộ phần diện tích hơn 13.000 m2 đất để sử dụng vào mục đích sản xuất vật liệu xây dựng.
Được biết, sau khi nhận được hợp đồng thuê đất từ chính quyền, ông Quý đã đầu tư xây dựng lò gạch thủ công, đầu tư thiết bị máy móc, thuê nhân công rồi đưa lò vào hoạt động. Tính đến thời điểm hiện tại sản xuất gạch nung ở đây đã kéo dài gần 20 năm, với việc duy trì công nghệ sản xuất gạch sử dụng nhiên liệu hoá thạch vốn không đảm bảo các vấn đề môi trường đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của cư dân.
Cũng theo người dân địa phương cho biết, mặc dù chuyển đổi hình thức từ đốt thông thường sang đốt theo công nghệ nhiên liệu hoá thạch. Thế nhưng, khi lò hoạt động vẫn gây ô nhiễm môi trường, khói lò vẫn nhả lên trời tỏa ra xung quanh, bao phủ cả khu vực rộng lớn và có ống khói cũng chỉ giúp khí thải khuếch tán ra xa hơn, chứ chưa làm giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường. Những ngày trời trở gió, khói lò quẩn vào khu dân cư khiến nhiều người bị tức ngực, khó thở, trẻ em hạn chế cho ra ngoài vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, sợ mắc các bệnh về đường hô hấp…
Tính đến thời điểm hiện tại sản xuất gạch của cơ sở lò vòng này đã kéo dài gần 20 năm, với việc duy trì công nghệ sản xuất gạch sử dụng nhiên liệu hoá thạch vốn không đảm bảo các điều kiện về môi trường |
Đặc biệt, là lò gạch nằm rất gần hệ thống các trường học, trường mầm non, trong đó đơn cử là Trường trung học cơ sở Cộng Hoà. Do đó, xét thấy việc lấy đây làm khu vực sản xuất nguyên vật liệu xây dựng là không phù hợp, chính quyền huyện Quốc Oai đã quy hoạch vùng dất thuộc Sông Quán sẽ chở thành khu vực đất thương mại dịch vụ.
Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các Sở ngành, UBND các huyện trên địa bàn vào cuộc tiến hành rà soát, đồng thời tổ chức thực hiện việc xoá bỏ toàn bộ các lò gạch sản xuất theo công nghệ thủ công, lò úp vung, lò vòng không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo các điều kiện về môi trường, thời hạn triển khai là trước ngày 31/12/2018 sẽ phải hoàn thành để kịp thời bàn giao mặt bằng về đất, phục vụ công tác chuyển đổi sản xuất cho người dân các địa phương.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tất cả các lò gạch không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo điều kiện môi trường như lò úp vung, lò vòng đều buộc phải dừng hoạt động trước ngày 31/12/2018 |
Thực tế là như vậy, song không hiểu vì lý do gì lò gạch tại xã Cộng Hoà, huyện Quốc Oai vẫn nghiễm nhiên tồn tại. Việc sản xuất gạch, hệ thống mái che cho tới những viên than được đóng ngay ngắn, xếp thành từng dãy dài trực chờ để đưa vào lò nung.
Ông Hương Quý Hùng - Chủ tịch UBND xã Cộng Hoà cho biết: Phản ánh của người dân về lò vòng của ông Vương Trí Quý là đúng thực tế, hiện tại công nghệ sử dụng nhiên liệu hoá thạch để sản xuất gạch đã cũ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Do đó, để có hướng xử lý vấn đề này ngày 21/12/2020, Đảng uỷ xã Cộng Hoà đã có Văn bản số 12-NQ/ĐU có nội dung: “Nhất trí với chủ trương đề xuất chuyển đổi sản xuất gạch nung công nghệ lò vòng cải tiến sang công nghệ Tuynel tiên tiến của Công ty đầy tư và xây dựng Mỹ Hoa”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao theo quy hoạch khu vực đất của Công ty đầu tư và Xây dựng Mỹ Hoa là đất kinh doanh thương mại lại nằm giữa khu dân cư không phù hợp với sản xuất gạch, nhưng Đảng uỷ xã Cộng Hoà vẫn đồng ý về chủ trương cho doanh nghiệp này hoạt động?! Ông Hùng cho hay, ông mới nhận chức Chủ tịch UBND xã Công Hoà từ bà Đức Thị Hoà gần một tháng nay. Vì vậy, công tác bàn giao công việc giữa ông và bà Hoà vẫn đang diễn ra. Sau khi hoàn thành công tác bàn giao, trong đó có hồ sơ hoạt động sản xuất gạch của Công ty đầu tư và Xây dựng Mỹ Hoa sẽ thông tin rõ ràng, công khai cho Báo Tài nguyên và Môi trường.