Tài nguyên nước

Giải bài toán an ninh nguồn nước: An dân khi mùa lũ về

Nguyễn Thủy 05/09/2024 - 10:44

(TN&MT) - Những ngày đầu tháng 8 vừa qua, người dân ở một số thôn, xã thuộc các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất (Hà Nội) phải đối mặt với trận lụt sâu kéo dài. Đợt mưa lớn dai dẳng do hoàn lưu bão số 2 đã gây ra mức lũ lịch sử trên sông Tích, sông Bùi, khiến nước lũ tràn qua nhiều đoạn đê, gây ngập lụt cục bộ ở một số nơi.

Chẳng riêng Hà Nội, những trận lũ lớn vừa qua cũng gây ra ngập lụt, thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh phía Bắc nước ta. Thời tiết cực đoan đang ngày càng gây ra những mối đe dọa lớn về an toàn cho cuộc sống của người dân. Điều đó đặt ra yêu cầu chúng ta cần phải có những hành động nhanh chóng hơn, quyết liệt hơn nhằm sẵn sàng ứng phó với thiên tai nói chung, lũ lụt nói riêng, trong đó có vấn đề giải bài toán đảm bảo an ninh nguồn nước, an dân khi mùa lũ về.

Nỗi lo khi mùa lũ về

Theo ông Ngô Mạnh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, thời gian qua, để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra liên quan đến hồ chứa trong mùa thiên tai, trước mỗi mùa mưa lũ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc vận hành các hồ chứa theo quy định của các Quy trình vận hành liên hồ chứa.

nha-may-thuy-dien-lai-chau-2.jpg
Nhà máy thủy điện Lai Châu vận hành xả lũ

Thực tế cho thấy, với việc tuân thủ theo đúng quy trình vận hành các liên hồ chứa, thời gian qua, các hồ trong quy trình đã tham gia cắt, giảm lũ cho hạ du rất hiệu quả, giảm ngập lụt đáng kể cho hạ du các lưu vực sông. Cụ thể, cắt giảm đỉnh lũ từ 30 - 98% tùy từng cơn lũ, cắt giảm tổng lượng lũ từ 30 - 80% tổng lượng lũ (một số cơn lũ cắt được 85 - 92%). Ngoài ra, vào mùa cạn, các hồ đã giúp điều tiết, bổ sung một lượng nước tương đối lớn cho hạ du, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm nguồn nước cấp nước cho các ngành sử dụng nước, giảm thiểu khá lớn thiệt hại do hạn hán gây ra.

Việc thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai, tuy vậy, theo ông Ngô Mạnh Hà, trong quá trình vận hành liên hồ chứa vẫn còn một số bất cập cần khẩn trương khắc phục. Ðầu tiên, để đảm bảo lấy nước ở phía hạ lưu, đòi hỏi các nhà máy thủy điện phải xả lưu lượng lớn hơn, khiến mực nước trong hồ giảm nhanh vào cuối mùa khô, dẫn đến giảm khả năng phát điện.

Mặt khác, các hồ chứa này phải tuân thủ theo quy trình vận hành đã được ban hành, trong đó mùa lũ phải dành một phần dung tích hữu ích để “chứa” lượng nước lũ. Nếu thiên tai thất thường, công tác dự báo khí tượng thủy văn chưa sát sẽ dẫn đến tình trạng cuối mùa lũ các hồ không tích đủ nước để cấp cho mùa khô kế tiếp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phát điện và cung cấp nước của các hồ chứa, gây khó khăn cho công tác vận hành...

Không những vậy, trên các lưu vực sông hiện nay còn có hàng nghìn công trình hồ chứa thủy lợi đơn mục tiêu khác, ít công trình có cửa van điều tiết, khả năng điều tiết lũ rất hạn chế so với tổng lượng lũ trên lưu vực, dẫn đến nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành các hồ chứa.

Nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hồ chứa theo thời gian thực

Để khắc phục những lúng túng trong vận hành liên hồ chứa, bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du các lưu vực sông, việc tối ưu hóa vận hành các hồ chứa theo thời gian thực là chủ đề được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây.

Hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan tổ chức thực hiện nghiên cứu, đề xuất kế hoạch vận hành linh hoạt, điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn trên các lưu vực sông, vận hành các hồ chứa theo thời gian thực; đồng thời nghiên cứu, đầu tư đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực.

Lý giải về việc các hồ chứa phải vận hành theo thời gian thực, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, việc vận hành hồ chứa theo thời gian thực nhằm hướng đến bảo đảm an toàn hồ đập, thực hiện tốt chức năng điều tiết lũ, phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả trong sản xuất điện. Vận hành thời gian thực ở đây được hiểu là vận hành linh hoạt hệ thống theo các dữ liệu đầu vào đến thời điểm hiện tại, trong đó bên cạnh có hệ thống dữ liệu khí tượng thủy văn, còn cần đến các dữ liệu vận hành hồ chứa, hoạt động kinh tế - xã hội liên quan ở hạ lưu, các nguyên tắc, quy tắc vận hành hỗ trợ ra quyết định, vận hành hồ theo thời gian thực; hệ thống cung cấp thông tin dự báo và vận hành hồ chứa. Đặc biệt, hệ thống này sẽ được chia sẻ dùng chung giữa các đơn vị để nâng cao hiệu quả sản xuất điện và phòng, chống thiên tai cũng như cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu nước phục vụ đa mục tiêu cho dân sinh.

Song song với đó, Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đôn đốc các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đập, hồ chứa nghiên cứu, đầu tư đồng bộ các giải pháp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các điều kiện, yêu cầu vận hành hồ chứa, liên hồ chứa theo thời gian thực và lập, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực khi hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các điều kiện, yêu cầu vận hành. Thời gian tới, các địa phương sẽ thành lập các Trung tâm điều hành vận hành liên hồ chứa (theo hướng xã hội hóa, huy động đóng góp của các chủ hồ,…) có đầy đủ năng lực, công cụ để vận hành, giám sát việc điều tiết, vận hành hồ chứa đảm bảo tối ưu nguồn nước cấp cho các mục đích.

Vẫn biết thiên tai rất khó đoán định, nhưng nếu chúng ta chủ động đề phòng, “đi trước 1 bước” bằng những biện pháp ứng phó linh hoạt thì hậu quả, thiệt hại sẽ được giảm đến mức thấp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán an ninh nguồn nước: An dân khi mùa lũ về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO