Trong nước

Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi)

Khương Trung 30/11/2024 - 16:08

(TN&MT) - Với tỷ lệ 91,65% đại biểu tán thành, chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), mở đường cho năng lượng mới, xóa bỏ cơ chế bù chéo giá điện...

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

z6083855610700_800c9db3a4e2b9ef3d75ea47e67c5783.jpg
Các đại biểu ấn nút thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: QH

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật đã được rút ngắn từ 130 Điều xuống còn 81 Điều, giảm 49 Điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; chỉ bổ sung 11 điều so với Luật Điện lực hiện hành.

Về phát triển điện lực

Ông Lê Quang Huy cho biết, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống nhất chỉnh lý các nội dung liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là các đạo luật đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 về quy hoạch, đầu tư và đấu thầu.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực (Điều 5), đối với phát triển điện hạt nhân, UBTVQH cho rằng, chính sách quy định cụ thể về đầu tư, xây dựng dự án điện hạt nhân đã được quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử. Do vậy, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, thống nhất với ý kiến Chính phủ chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: Chỉ quy định chung về quy hoạch phát triển điện hạt nhân. Các quy định cụ thể về nhà máy điện hạt nhân được thực hiện theo pháp luật về năng lượng nguyên tử. Các quy định khác của pháp luật có liên quan và đã thể hiện tại khoản 10 Điều 5 dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý.

30c-le-quang-huy20241130144401.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Về phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý và thể hiện tại khoản 3, khoản 13 Điều 5, Điều 17, trong đó làm rõ việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển điện vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và việc hỗ trợ của Nhà nước đối với tiền điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt của hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Bên cạnh đó, việc phát triển năng lượng tái tạo phụ thuộc vào nguồn năng lượng tái tạo, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Trường hợp khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo đáp ứng đủ điều kiện thì được áp dụng các cơ chế ưu đãi để đầu tư xây dựng điện năng lượng tái tạo theo quy định của Luật này.

Về phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo

Liên quan đến phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, một số ý kiến ĐBQH đề nghị tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ để không xảy ra các sai phạm trong thời gian trước hoặc xảy ra việc trục lợi chính sách, hợp pháp hoá sai phạm các dự án điện năng lượng tái tạo.

Ông Lê Quang Huy cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo Luật để bảo đảm các nội dung trong dự thảo Luật không quy định hoặc có quy định liên quan đến các dự án điện năng lượng tái tạo đang thuộc diện thanh kiểm tra, điều tra, không hợp thức hóa sai phạm. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều quy định tại Chương III về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (từ Điều 20 đến Điều 29), bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; đồng thời giao Chính phủ quy định điều kiện và thời hạn áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với dự án này.

30-luat-dl20241130144357.jpg
Với tỷ lệ 91,65% đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện lực (sửa đổi). Luật có hiệu lực từ ngày 1/2/2025.

Đối với phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK), liên quan đến quy định chung, UBTVQH nhận thấy, hiện nay trên thế giới chưa có định nghĩa và phân loại thống nhất về ĐGNK. Dự thảo Luật quy định dự án điện gió trên biển thuộc vùng biển Việt Nam gồm 2 đối tượng: Dự án điện gió gần bờ; dự án ĐGNK và thể hiện như khoản 5 Điều 20.

Ngoài ra, thống nhất với ý kiến Chính phủ, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bỏ các nội dung quy định về chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án ĐGNK (trong dự thảo Luật Chính phủ trình); đồng thời, bổ sung khoản 8 Điều 26 và thể hiện như sau: “8. Việc chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi phải bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chính phủ quy định chi tiết khoản này”; làm rõ thẩm quyền lựa chọn đơn vị khảo sát dự án ĐGNK trước khi lựa chọn nhà đầu tư và thể hiện tại khoản 2 Điều 27. Việc giao doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện khảo sát dự án ĐGNK không thay thế thẩm quyền giao khu vực biển theo quy định của pháp luật về biển, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quy định chính sách ưu đãi đối với các dự án điện gió ngoài khơi tại khoản 3 Điều 26.

“Quy định như trên nhằm thể chế hoá Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung về xây dựng cơ chế, chính sách cho ĐGNK, bảo đảm phù hợp với công tác quản lý, thực hiện pháp luật về quy hoạch, pháp luật về biển, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và đặc thù của lĩnh vực điện gió trên biển”- ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Về thời điểm thông qua Luật

Theo đó, một số ý kiến đề nghị thuyết minh, giải trình rõ hơn những hạn chế, khó khăn vướng mắc và tác động có thể xảy ra nếu không thông qua dự án Luật tại kỳ họp này.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã yêu cầu bổ sung thông tin trong Hồ sơ dự án Luật. Ngoài hồ sơ, báo cáo đánh giá tác động kèm theo Tờ trình số 520/TTr-CP ngày 25/9/2024 của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có Báo cáo bổ sung số 8539/BCT-ĐTĐL ngày 25/10/2024. Theo đó, đã khẳng định việc triển khai quy hoạch phát triển điện lực, các dự án điện lực hiện nay, nhất là các dự án điện khí, điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, trong đó có các dự án ĐGNK... đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, có ảnh hưởng nhất định đến yêu cầu bảm đảm an ninh cung cấp điện đặc biệt là thiếu cơ sở pháp lý về đầu tư, quy hoạch phát triển điện lực, giá điện, thị trường điện.

"Nếu dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 thì sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án, công trình điện lực, bảo đảm an ninh cung cấp điện, nhất là trong bối cảnh nhu cầu về điện năng rất lớn và dự báo sẽ tăng nhanh chóng trong thời gian tới. Đây cũng là cơ sở pháp lý để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương, tích cực xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật"- báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Qua phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường, các ĐBQH đã tham gia nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng. UBTVQH đã quán triệt yêu cầu đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổng hợp đầy đủ ý kiến ĐBQH, nghiên cứu kỹ lưỡng và tiếp thu tối đa các ý kiến ĐBQH.

Ông Lê Quang Huy cho biết, tại đầu kỳ họp này, UBTVQH đã báo cáo với Quốc hội về thời điểm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh trường hợp dự án Luật được chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì UBTVQH xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐQBH, các vị ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý và nhận được sự đồng thuận của các cơ quan liên quan, đáp ứng yêu cầu chất lượng; góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện lực của đất nước, đáp ứng mục đích xây dựng Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO