Quốc hội quan tâm đến định hình cơ chế mới về quản trị nước

12/12/2014 00:00

(TN&MT) – Đó là chủ đề chính của Hội thảo Quốc tế “Quốc hội với việc định hình cơ chế mới về quản trị nước” diễn ra ngày 12/12 tại Hà Nội.

   
(TN&MT) – Đó là chủ đề chính của Hội thảo Quốc tế “Quốc hội với việc định hình cơ chế mới về quản trị nước” do Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức OXFAM tại Việt Nam… tổ chức tại Hà Nội ngày 12/12.
   
  Dự hội thảo có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ông Hà Huy Thông, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cùng hơn 100 đại biểu là các nhà khoa học, nhà lập pháp, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
   
   
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu phát biểu khai mạc Hội thảo
   
  Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Theo thoả thuận giữa liên minh nghị viện thế giới IPU và Quốc hội Việt Nam, tại phiên họp Đại hội đồng IPU 132, từ ngày 28/3-1/4/2015 tại Hà Nội, các nghị viện thành viên sẽ trao đổi nhiều nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hành động chung để ứng phó và giải quyết một số vấn đề mang tính toàn cầu. Một chủ đề quan trọng, đó là: “Định hình cơ chế mới về quản trị nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước”. Dự kiến Đại hội đồng IPU 132 sẽ tiến tới thông qua nghị quyết về chủ đề này.
   
  Là quốc gia chủ nhà của Đại hội đồng IPU 132, đồng thời là quốc gia đề xuất chủ đề có nội dung đổi mới, đặc biệt là khuôn khổ thể chế quản trị nước nhằm góp phần làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, thái độ và hành động trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước. “Quốc hội mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết để đi đến sự thống nhất về nhận thức, cùng nhau hành động, đẩy mạnh sự hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương trong việc bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước ở phạm vi từng quốc gia cũng như toàn cầu. Tôi đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp sau Hội thảo lần này tổng hợp  nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện báo cáo để phục vụ Đại hội đồng IPU 132.” -  Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
   
  Trình bày tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Bảy - Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho biết: Quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã được cải thiện đáng kể về mặt pháp lý, cấu trúc thể chế và các cơ chế quản lý và đã góp phần vào sự  phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về tài nguyên nước đã được Bộ TN&MT tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý cơ bản cho công tác quản lý tài nguyên nước từ TƯ đến địa phương.
   
   
Thừa ủy quyền lãnh đạo Bộ TN&MT, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bảy phát biểu khẳng định tầm quan trọng của cơ chế quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh hiện nay 
   
  Ngoài ra, Bộ TN&MT đã tập trung chỉ đạo công tác rà soát, xây dựng nhiều văn bản mới theo tinh thần của Luật Tài nguyên nước năm 2012, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của công tác quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước đang có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt do tác động của biến đổi khí hậu và gia tăng khai thác, sử dụng nước, xả nước thải trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở cả trong nước và các quốc gia ở thượng nguồn các sông suối xuyên biên giời với nước ta.
   
  Liên quan đến các hoạt động thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong công tác quản trị tài nguyên nước, ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề xuất một số kiến nghị như: Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam về tài nguyên nước để tương thích với các Công ước, Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; nâng cao vai trò các tổ chức Liên Nghị viện trong việc tác động tới hiệu quả sử dụng tài nguyên nước trên thế giới;
   
  Quốc hội Việt Nam cần có vai trò quyết định phê duyệt Chiến lược tài nguyên nước và Quy hoạch tài nguyên nước; cần đưa công tác quản lý tài nguyên nước về một đầu mối; có chính sách hợp lý cho các công trình thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp mà không thu thuỷ lợi phí; quy định rõ chủ thể xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước; có cách nhìn đúng đắn, nghiên cứu quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông; xúc tiến ngay việc quy hoạch và quản lý nước ngầm; giải quyết triệt để nạn cát tặc; khắc phục tình trạng xin – cho trong công tác quản lý tài nguyên nước; nghiên cứu bổ sung Luật tài nguyên nước để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; coi trọng việc xây dựng và thực thi luật pháp cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước.
   
  Đồng quan điểm với ông Vũ Mão, ông Jake Brunner – Điều phối viên chương trình, Văn phòng Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam (IUCN) cho rằng cần có sự hợp tác hơn nữa giữa các Bộ, ngành trong quản lý nguồn nước. Đồng thời cần sử dụng những kênh ngoại giao nghị viện thông qua các kênh song phương liên quan đến việc quản trị nước.
   
Kết thúc Hội thảo,  TS Nguyễn Thái Lai - Thứ trưởng Bộ TN&MT khẳng định tầm quan trọng của Quốc hội trong việc định hình cơ chế mới về quản trị nước. Thứ trưởng cũng cho biết: Trong nhiều Hội thảo trong nước và quốc tế về tài nguyên nước, Việt Nam được đánh giá là một nước xây dựng thể chế pháp luật về quản lý tài nguyên nước có nhiều tiến bộ so với các nước trong khu vực.
   
  Theo Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai thì Luật TN&MT luôn quan tâm đến chiến lược quốc gia và quy hoạch về tài nguyên nước. Quy hoạch tài nguyên nước ở địa phương cấp tỉnh phải thông qua Hội đồng nhân dân. “Tôi cũng hi vọng Quốc hội và Chính phủ hết sức quan tâm đến điều 6 của Luật Tài nguyên nước về việc xây dựng các công trình khai thác tài nguyên nước trên các dòng sông phải lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương.” – Thứ trưởng bày tỏ.
   
Bài & ảnh: Việt Hùng – Mai Đan
   
   
   
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội quan tâm đến định hình cơ chế mới về quản trị nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO