Quốc hội bước sang ngày thứ 2 tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

Theo Chinhphu.vn | 09/11/2020 12:26

Ngày 9/11, Quốc hội bước sang ngày thứ 2 tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với các thành viên Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thảo (tỉnh Nghệ An) về vấn đề văn bản bộ ngành ban hành chưa phù hợp: Qua thực tiễn kiểm tra của Bộ Tư pháp theo thẩm quyền một số năm qua đối với văn bản của bộ ngành, địa phương, thì năm 2016 các bộ ngành có 36 văn bản sai sót, năm 2019 là 13 văn bản, đến tháng 10/2020 là 5 văn bản. Nguyên nhân là do chủ thể ban hành văn bản chưa rà soát kỹ các khâu, chưa phát huy vai trò bộ phận pháp chế; hạn chế về chuyên môn và bản lĩnh khi xử lý những điểm còn khó, phức tạp. Giải pháp khắc phục trong thời gian tới là cần hạn chế tối đa việc phải ban hành thông tư; cơ chế kiểm soát thông tư phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu các bộ ngành; rà soát, lắng nghe kỹ các ý kiến góp ý.

Trả lời câu hỏi đại biểu về nguồn lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ GTVT thời gian tới sẽ lo hoàn thành các quốc lộ, cao tốc nối Cà Mau - Bạc Liêu - Cần Thơ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Nguồn lực thứ hai là từ địa phương, ở đây là nguồn lực mà địa phương được Trung ương phân bổ, cộng với ngân sách sẵn có để thực hiện các dự án hạ tầng.

Thứ ba là nguồn lực Trung ương, trong đó, Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2 tỷ USD trong giai đoạn tới.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ KH&ĐT sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ khoảng 1,05 tỷ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này.

Bên cạnh đó, Trung ương sẽ hỗ trợ các dự án có tính chất liên vùng. Bộ KH&ĐT đã thống nhất với các địa phương, cần thông qua hội đồng vùng trước khi trình Chính phủ xem xét.

Mỗi địa phương sẽ được hỗ trợ một dự án động lực quan trọng nhất của tỉnh mà có tính liên vùng để phát triển trong thời gian tới. Một nguồn lực nữa là từ các hợp đồng đối tác công tư, nguồn xã hội hóa.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP. Hải Phòng) về tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu số (CSDL) hiện nay: Ở cấp độ Chính phủ đến nay chúng ta đã hoàn thành 4/6 CSDL quốc gia, còn CSDL dân cư sẽ khai trương vào tháng 2/2021 và hoàn thiện vào tháng 7/2021; CSDL đất đai sẽ khai trương trong năm 2020 và hoàn thiện vào trong năm 2021.

Bộ TT&TT đã ban hành chuẩn kỹ thuật để CSDL các bộ ngành, địa phương kết nối, xây dựng trục kết nối chia sẻ CSDL xong trong năm 2020, ra mắt cổng quốc gia về dữ liệu và Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành lộ trình để các bộ ngành, địa phương mở dữ liệu trên cổng.

Năm 2020, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 47 về kết nối, chia sẻ dữ liệu, trình Chính phủ chiến lược quốc gia về CSDL.

Như vậy, trong năm 2020 chúng ta đã xong về chiên lược, thể chế, nền tảng, và từ năm 2021 tiến độ xây dựng CSDL số của quốc gia và bộ ngành, địa phương sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Thu Trang (tỉnh Quảng Ngãi) về xây dựng hạ tầng nghề cá và xử lý 938 HTX đã đừng hoạt động: Hiện chúng ta có 99.000 tàu cá các loại, trong đó 31.500 tàu có công suất lớn, khai thác khoảng 3,5 triệu tấn hải sản/năm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch hệ thống khu neo đậu và cảng cá, phải thực hiện từ sau năm 2015 với tổng vốn đầu tư khoảng 36.400 tỷ đồng, tuy nhiên, 5 năm qua chúng ta mới thực hiện được 28%, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nghề cá hiện đại. Bộ NN&PTNT xác định đây là một ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cương cho rằng HTX là loại hình phù hợp với nền kinh tế đa dạng của Việt Nam.  Đến nay chúng ta đã có 17.000 HTX, vượt chỉ tiêu của nghị quyết Quốc hội đề ra là 15.000 HTX và năm 2020. Vì vậy, đối với 938 HTX đã dừng hoạt động cần thúc đẩy xử lý các vướng mắc, đặc biệt về nguồn tài sản, làm tiền đề cho các HTX mới ra đời. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách để ưu tiên hơn nữa cho loại hình HTX, nhân rộng mô hình ở những khu vực thuận lợi để cơ cấu kinh tế hộ, HTX, DN  hình thành nền nông nghiệp họi nhập, bền vững, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) về việc bao giờ thì xây dựng Luật hành chính công, dịch vụ công. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tất cả các đại biểu Quốc hội Khóa XIII, XIV đều nhận biết được sự kiên trì của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh trong sáng kiến đề xuất xây dựng pháp luật, đó là dự án Luật hành chính công.

Tuy nhiên, sau nhiều lần Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ trao đổi thống nhất, Chủ tịch Quốc hội cho biết chưa thể ban hành luật này vì các lý do sau: Thứ nhất, các quy định về hành chính công đều đã được quy định trong từng dự án luật. Trong hệ thống pháp luật chúng ta đều có các quy định thủ tục hành chính công. Thứ hai, trong dự thảo Luật mà đại biểu đã trình bày, đã chuẩn bị thì chưa rõ đối tượng, phạm vi và nội hàm và vì thế chưa thể ban hành được, chưa thể trình Quốc hội được. 

“Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao sự kiên trì của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh và lúc đầu chúng tôi đã tổ chức bố trí đầy đủ điều kiện để Ban soạn thảo nghiên cứu, làm việc. Tuy nhiên, vì những lý do trên nên cho tới nay chưa trình Quốc hội được”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Kim Xuân (tỉnh Đắk Lắk) về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chiến lược phát triển cây mắc ca: Trong 4 năm, Quốc hội đã thông qua 3 luật về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp quy định rất sâu về sử dụng sản phẩm có hóa chất ở đầu vào sản xuất. Nếu năm 2016, chúng ta nhập khẩu 114.500 tấn thuốc bảo vệ thực vật thì 9 tháng đầu năm 2020 còn 30.000 tấn. Thời gian tới, ngành nông ghiệp tiếp tục tăng cường quả lý công tác nhập khẩu, sửa dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường tập huấn, hướng dẫn bà con nông dân. Đến nay trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành tại Việt Nam không có loại nào chứa chất Dioxin.

Về chiến lược phát triển cây mắc ca, Bộ trưởng cho biết đây là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, đa mục tiêu. Hai vùng phù hợp là Tây Nguyên, Tây Bắc với có 16.500 ha. Để cây trồng nay phát triển hiệu quả thì chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống (hienj các cơ sở được cấp phép có công suất cung cấp 3 triệu cây giống/năm); tuân thủ nghiêm quy tình, kỹ thuật được hướng dẫn; phải gắn với cơ sở chế biến;… Bộ NN&PTNT đang gấp rút hoàn thiện chiến lược phát triển cây mắc ca đến năm 2025.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội), cán bộ công chức  gây nhũng nhiễu nhiều nhất ở ở lĩnh vực nào, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này: Trách nhiệm để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà người dân, DN trực tiếp là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.  Tình trạng gây nhũng nhiễu nhiều nhất ở những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân, cán bộ, công chức thiếu rèn luyện. Thanh tra Chính phủ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hanh chỉ thị về giảm và chống gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, DN vào tháng 4/2019, tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để riển khai chỉ thị này nhằm chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu.  Và sau 1 năm thực hiện, Thanh tra Chính phủ đã có sơ kết.

Về căn cứ đánh giá tình trạng tham nhũng được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng giảm, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết dự trên ý kiến đánh giá, phản ánh người dân, chỉ số đánh giá hiệu quả phòng chống tham nhũng của Thanh ttra Chính phủ, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch thế giới, đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VCP Mai Tiến Dũng cho biết thời gian qua, sự chỉ đạo của Thủ tướng quyết liệt cắt giảm thủ tục chính là bước đi đúng và rất thực chất. Chúng ta đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 thủ tục kinh doanh…

Tuy nhiên, như nhận xét của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP. Đà Nẵng), thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà,phức tạp, có những trường hợp, cắt điều kiện kinh doanh này nhưng lại mọc các thủ tục khác. Cắt điều kiện kinh doanh này lại chuyển sang thành tiêu chuẩn và quy chuẩn, từ đó gây rào cản gây khó khăn cho người dân. Trong chỉ đạo của Thủ tướng, đang tiếp tục rà soát lại. Trước hết, chúng ta phải kiểm soát ngay từ khâu dự thảo, phải nâng cao chất lượng dự thảo. Đây là vấn đề quan trọng. Thứ hai, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để công khai hóa trong việc để các doanh nghiệp giám sát, người dân giám sát và quan trọng là phải thực hiện được quy trình về thủ tục hành trình, làm sao để thực sự cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thứ ba, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc và xử lý hồ sơ trên điện tử theo Nghị định 45. Thứ tư, huy động sự tham gia của Hội đồng tư vấn cải cách hành chính.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời câu hỏi của đại biểu về quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp: Sau 3 năm chúng ta đã hoàn thiện toàn bộ văn bản pháp luật. Các địa phương, một số bộ đã sắp xếp lại, riêng năm 2020 đã giảm từ 1.996 cơ sở xuống 1.909 cơ sở và giảm 77 cơ sở công lập, hoàn thành mục tiếu trước năm 2021; hoàn thành 103% đến 107% kế hoạch đào tạo. Giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam từ chỗ chưa được xếp hạng đến nay đã đứng thứ mức 90/158 nước/vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng 10 bậc so với năm 2019.

Thời gian tới, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ sắp xếp theo hướng “hai trong một”, “ba trong một”, ngoài hoạt động đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ là cánh tay nối dài cơ sở  đào tạo bậc cao hơn, kiên quyến giải thể các cơ sở yếu kém, sáp nhập cơ sở trùng chức năng. Thời gian tới, các tỉnh chỉ sẽ còn 1-2 trường cao đẳng đào tạo đa ngành, đa hệ, khuyến khích thành lập cơ sở tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài, gắn với nhau cầu sản xuất của DN, công bố khung trình độ quốc gia theo tham chiếu ASEAN, công nhận văn bằng chứng chỉ quốc tế với một số nước phát triển cao như Australia, Nhật Bản… Mục tiêu đến năm 2030 giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong ASEAN, quy mô tuyển sinh gấp 3 lần hiện nay.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Ánh Tuyết (tỉnh An Giang) về dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi nhiều quy định, giá trị truyền thống, chúng ta biết đến một cách rõ rệt hơn khái niệm “nền kinh tế không tiếp xúc”, giao dịch không tiếp xúc..., Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhiều dịch vụ công và thủ tục hành chính đã được giải quyết không qua tiếp xúc giữa người thực hiện và cơ quan hành chính nhà nước.

Cổng Dịch vụ công quốc gia là “một cửa duy nhất” trên môi trường điện tử kết nối, tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để tra cứu thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Sau gần một năm thực hiện (được khai trương từ ngày 9/12/2019), Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp gần 2.200 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số gần 7.000 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Sau hơn 9 tháng kể từ ngày khai trương, ngày 19/8/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt mốc 1.000 dịch vụ công; tiếp đó, đến tháng 10 đạt thêm 1.000 dịch vụ công nữa, như vậy, trong gần 2 tháng, số dịch vụ công đã tăng trên 400% so với 9 tháng trước đó; Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là trên 6.700 tỷ đồng/năm.

Sau gần 8 tháng triển khai Cổng Dịch vụ côngquốc gia đã kết nối với 10 ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho phép cá nhân, tổ chức thanh toán trực tuyến qua tài khoản/thẻ ngân hàng với 40/46 ngân hàng.

Bộ trưởng Bộ TN&MT trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời câu hỏi về khắc phục ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy.

Bộ trưởng cho biết vấn đề này chưa được khắc phục triệt để; trong đó, khoảng 65% nguồn thải từ Hà Nội. Chính phủ cũng như các địa phương đã đầu tư khoảng 20 nghìn tỷ đồng cho vấn đề này. Cụ thể là xây dựng các trạm quan trắc, trồng rừng đầu nguồn, nhưng vấn đề quan trọng nhất là xử lý nguồn thải.

Sắp tới, Bộ trưởng đề nghị giải pháp trước mắt là điều tiết nước thải. Còn lâu dài, phải thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nếu nước thải không bảo đảm thì không cho xả ra. Còn vi phạm thì phải chế tài.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về các điều kiện kinh doanh.

Bộ trưởng cho biết các điều kiện quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và đều có nguyên tắc. Tuy nhiên, với các thông tư, Bộ chỉ có thẩm quyền đề xuất các Bộ xem xét xử lý. Các nội dung vi phạm quy định của pháp luật là một trong các nội dung Bộ Tư pháp tập trung xử lý. Với các bộ ngành, nếu cán bộ trình độ chuyên môn tốt thì sẽ hạn chế được vấn đề này. Hai nữa, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và nếu có sự tham gia giám sát của dư luận, cử tri… cũng sẽ giúp giảm các vấn đề này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng , Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi đại biểu Mai Thị Kim Nhung (tỉnh Quảng Trị) về thực hiện Đề án liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1380/QĐ-TTg ngày 18/10/2018 phê duyệt Đề án liên thông các thủ tục hành chính thì các thủ tục đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí có nhiều bất cập được người dân nêu và báo chí quan tâm.

Cụ thể như người dân đến các cơ quan hành chính Nhà nước phải khai nhiều thông tin trùng lặp, từ họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch… và phải đi lại nhiều lần mới làm xong thủ tục. Bên cạnh đó, khi người dân đến kê khai khai tử có người quên đăng xóa đăng ký thường trú nên từ đó xảy ra việc người đã chết rồi mà vẫn có tên trong cử tri đi bầu trưởng thôn, trưởng xóm. Ví dụ như tại xã Chu Minh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội năm 2017 có nhiều người chết nhưng vẫn nằm trong danh sách cử tri đi bầu trưởng thôn.

Sau một thời gian thực hiện Đề án, đến nay 63/63 địa phương đều đã triển khai thực hiện việc liên thông các TTHC nêu trên; các Bộ Tư pháp, Công an, Bảo hiểm Xã hội đều đang phối hợp tốt để thưc hiện. Người dân chỉ cần đến một nơi là UBND xã, chỉ nộp 1 bộ hồ sơ để thực hiện 3 TTHC liên thông.

Đến nay, đã tiếp nhận 353.846 hồ sơ, trong đó, đã giải quyết 350.400 hồ sơ (số hồ sơ quá hạn là 2.352 hồ sơ chiếm tỷ lệ 0,67%).

“Đến nay sơ bộ việc triển khai đề án tính được mỗi năm tiết kiệm được 38,8 tỷ đồng/năm”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết.

Để thực hiện tốt Đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm và thúc đẩy việc thực hiện liên thông các thủ tục hành chính này để triển khai tại địa phương mình; tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC, trong đó, tập trung vào việc thực hiện có hiệu quả Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử với các phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tiếp tục mở rộng cơ chế liên thông, nhất là liên thông điện tử trong giải quyết TTHC.

Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cung cấp nhiều nhóm dịch vụ công liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp cắt giảm nhiều TTHC không cần thiết, đơn giản hoá trình tự, hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi về tiến độ nghiên cứu sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi của đại biểu Mai Sỹ Diến (tỉnh Thanh Hóa): Đến nay, nhánh nghiên cứu trong nước đã phân lập, lựa chọn, lập ngân hàng các chủng virus dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam, giải trình tự gen, nghiên cứu dịch tễ, sản xuất một số chế phẩm sinh học nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn, sản xuất một số loại vaccine khác nhau thử nghiệm quy mô hẹp cho kết quả khả quan, các DN đang hoàn thiện công nghệ để sản xuất quy mô công nghiệp, chọn tạo dòng lợn kháng dịch tả lợn châu Phi từ những con lợn nái đã sống sót ở các ổ dịch.

Nhánh quốc tế, chúng ta đã hợp tác, tiếp nhận chủng virus dịch tả lợn châu Phi ở nước ngoài và sản xuất lô vaccine bước đầu thử nghiệm rất khả quan. Dự kiến khoảng quý 3/22021 sẽ có vaccine dịch tả lợn châu Phi.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã tổng kết nhân rộng mô hình sử dụng các chế phẩm sinh học chăn nuôi an toàn với tổng đàn 100.000 con lợn sinh trưởng tốt, không có dịch bệnh.

Về chiến lược giống cây trồng, vật nuôi ở  ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu của đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi (TP. Cần Thơ), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cương cho biết, chiến lược tập trung và nhóm thủy sản, trái cây và lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng xuất khẩu.

Cụ thể, chúng ta có chương trình giống quốc gia cho cá tra và tôm. Đối với cá tra, mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn 2030 chúng ta hoàn toàn chủ động nguồn giống cá tra khoảng 4,4 tỷ con. Về tôm, đến nay chúng ta mới chủ động được khoảng 40% lượng giống cho tôm thẻ chân trắng và hàng năm phải nhập khoảng 250.000 tôm bố mẹ, chúng ta phải đẩy mạnh chủ động nguồn giống bố mẹ.

Đối với trái cây, chúng ta xác định có 10 loại điển hình và phấn đấu đến năm 2030 thuộc tốp tiên tiến, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Về Lúa gạo, chúng ta sẽ tăng cường gạo chất lượng cao, hiện 9 loại gạo thơm của Việt Nam đã được EU cho phép xuất khẩu vào thị trường này; đồng thời chúng ta cần phát triển các giống lúa chịu hạn, chịu mặn. Hiện nay, nhu cầu giống lúa tốt, giống xác nhận ở ĐBSCL khoảng 250.000 tấn/năm,  mới đáp ứng được 65%, vì vậy, chúng ta phải tăng khối lượng này lên.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) về năm 2021 tăng trưởng GDP nếu tăng trưởng chỉ có 6% thì làm thế nào để bảo đảm thu – chi, cân đối ngân sách quốc gia.

Bộ trưởng cho biết các giải pháp, thứ nhất, cùng các bộ ngành địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; kích cầu trong nước để tăng trưởng. Tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn giá, thu hồi nợ đọng thuế. Bám sát yêu cầu của Quốc hội về ngân sách để xử lý các vấn đề phát sinh.

Về câu hỏi của đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) về kinh phí bảo vệ môi trường, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, một số lĩnh vực được ưu tiên ngân sách như giáo dục, y tế, khoa học, chúng ta đã thực hiện đúng yêu cầu. Tuy nhiên, có tình trạng hằng năm chi không hết chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường. Có 3 nguyên nhân. Thứ nhất, hằng năm khi tháng 10, Quốc hội phê duyệt ngân sách thì các địa phương lại phê duyệt chậm các nội dung về sự nghiệp bảo vệ môi trường, đến tháng 10 chỉ đạt khoảng 50-60%. Nguyên nhân thứ hai, chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư thì Luật Bảo vệ môi trường không cho phép; vấn đề này Bộ đã báo cáo Chínhphủ, Quốc hội và đã xử lý. Với xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thì theo quy định, Trung ương hỗ trợ 50%, địa phương chi 50% kinh phí, nhưng nhiều địa phương khó khăn, không bảo đảm được khoản chi này.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương phải tăng tiến độ phê duyệt nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Nghiên cứu sửa đổi Luật bảo vệ môi trường và các văn bản cho phù hợp…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời các câu hỏi về đầu tư kè biên giới và về xây dựng công trình ứng phó biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng cho biết, về kè biên giới, chúng ta có rất nhiều kè phải đầu tư, tuy nhiên, chương trình tổng thể kè biên giới chưa xây dựng được mà chỉ tập trung xử lý các công trình cấp bách. Thời gian tới, Bộ sẽ cùng các bộ ngành xây dựng chương trình tổng thể để đầu tư căn cơ, bài bản, lâu dài.

Về các công trình biến đổi khí hậu, trong đó có các tuyến đê xung yếu, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm, sử dụng nguồn dự phòng, tăng thu, vượt thu, kết dư… để thực hiện. Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, đến nay đã tổng hợp khoảng 4.800 tỷ đồng để khắc phục các tuyến đê xung yếu, các địa phương đang triển khai.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về vấn đề xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng và bảo vệ trẻ em trên mạng.

Bộ trưởng cho biết, tháng 4 vừa qua, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, Chính phủ đã đồng ý về nội dung và đề nghị Bộ cân nhắc thêm thẩm quyền ban hành, trong tuần này Bộ sẽ đề xuất Chính phủ về thảm quyền. Chắc chắn, Bộ quy tắc sẽ được ban hành trong năm 2020 và vấn đề bảo vệ trẻ em sẽ được Bộ lồng ghép trong Bộ quy tắc, yêu cầu tôn trọng nhà cung cấp mạng và người sử dụng phải  hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, lành mạnh. Ngoài ra, còn có đề án giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, với các vấn đề như thành lập đầu mối tiếp nhận các vấn đề cần xử lý liên quan tới trẻ em trên mạng, sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện và xử lý các vấn đề liên quan tới trẻ em, trang bị các kỹ năng cho trẻ em có hành động thích hợp…, đề án đã được trình Chính phủ và sẽ được ban hành năm nay.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) về chuyển đổi số miền núi, Bộ trưởng cho biết trong Đề án chuyển đổi số đã được Thủ tướng phê duyệt, thì chuyển đổi số cho vùng sâu,vùng xa được ưu tiên, vì càng nơi khó khăn thì chuyển đối số càng hiệu quả, chuyển đổi số bắt đầu từ nơi khó.

Về sóng, Bộ đang chỉ đạo cố gắng để vùng núi, vùng sâu xa có thể truy cập được mạng. Cùng với đó, thực hiện thanh toán điện tử. Bà con vùng sâu xa có một khó khăn là không có điện thoại thông minh, hiện đã có đề án phối hợp để bán điện thoại thông minh với giá khoảng 600-700 nghìn đồng cho bà con. Ưu tiên giáo dục trực tuyến để bà con có thể tiếp cận các bài giảng chất lượng cao. Ứng dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, thương mại điện tử. Bộ đã triển khai thí điểm xã thông minh với các nội dung trên và cuối năm nay sẽ tổng kết.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về chính sách với cán bộ, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng cho biết, Chính phủ không ban hành nghị định riêng về nội dung này mà lồng ghép vào các nghị định về tuyển dụng, sử dụng, cán bộ, viên chức. Ví dụ, người dân tộc thiểu số được cử tuyển đi học đại học, xét tuyển vào biên chế. Chính phủ cũng quy định rõ tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức trong tổng số biên chế. Người dân tộc thiểu số khi tuyển dụng được miễn ngoại ngữ và tin học…., thi tuyển thì được cộng điểm ưu tiên, miễn thi ngoại ngữ thi khi nâng ngạch. Nữ cán bộ công chức viên chức người dân tộc thiểu số được kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 60 như nam. Bộ đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 771 về bồi dưỡng kiến thức với cán bộ, công chức người thiểu số.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) về bồi dưỡng người hoạt động không chuyên trách, Bộ trưởng cho biết Nghị định 101 về đào tạo cán bộ, công chức chưa có đối tượng này, Bộ trưởng cảm ơn, ghi nhận ý kiến đại biểu và cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan xử lý vấn đề này.

Đối với chất vấn của ĐBQH Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị), Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết: Ban cán sự Đảng của Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị quyết số 280 để giải quyết những vấn đề về trật tự, kỷ cương, kỷ luật hành chính trong cơ quan, đơn vị và thực hiện vấn đề chính trị nội bộ và thành lập một tổ công tác của Ban cán sự đảng để giải quyết vấn đề này. Trong thời gian qua, Bộ đã rà soát lại tất cả đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, có những vấn đề liên quan đến việc phải điều chỉnh của Nghị quyết 280. Tất cả những trường hợp này đều được xem xét xử lý một cách công khai, minh bạch và đã thi hành kỷ luật một số cán bộ, công chức vi phạm; điều chuyển, bố trí lại những vị trí không phù hợp.

Về sử dụng biên chế và tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ, ông Tân khẳng định, với tinh thần Bộ Nội vụ phải thực hiện bằng hoặc tốt hơn các bộ, ngành khác, do đó, Bộ đã đăng ký tinh giản biên chế của năm 2021 giảm 12,5 %. Sau đó Chính phủ cho rằng, thực hiện theo mặt bằng chung là 10 % trước, sau đó khi điều chỉnh địa vị trí việc làm, sau khi các nghị định của Chính phủ ban hành để tiếp tục giai đoạn sau thì triển khai. “Vấn đề biên chế, tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ thực hiện rất nghiêm minh. Bộ Nội đã làm thành hai bộ quy tắc ứng xử của công chức, quy chế và thực hiện”, ông Tân nói.

Ông Tân cũng đề nghị, các ĐBQH nếu phát hiện cán bộ, công chức của ngành Nội vụ vi phạm đạo đức công vụ hoặc gây khó khăn trong thực hiện công vụ đối với các bộ, ngành, địa phương thì cung cấp thông tin cho Bộ trưởng. “Chúng tôi sẽ cương quyết và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai) về vấn đề quy hoạch treo và cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở tại các dự án đô thị, khu chung cư.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết quy hoạch treo ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là việc làm, sinh  kế và cải tạo nhà ở. Nguyên nhân chủ yếu chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tầm nhìn, không lập đầy đủ quy hoạch liên quan đặc biệt hạ tầng kỹ thuật, xã hội, thiếu quy hoạch chi tiết  1/500, không xác định chi tiết nguồn lực đầu tư, chưa quản lý nghiêm túc, công khai quy hoạch lộ trình thực hiện, không kịp thời rà soát, năng lực chủ đầu tư yếu kém…

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về tăng cường chấn chỉnh hoạt động quy hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể có bộ ngành, địa phương. Bộ Xây dựng đã ban hành một số quy chuẩn kỹ về hạ tầng, nhà ở, hoàn thành cổng thông tin quy hoạch quốc gia.

Luật Quy hoạch đã có một số quy định đảm bảo đồng bộ một số quy hoạch, loại bỏ quy hoạch không phù hợp, giấy phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch… Luật Xây dựng có quy định nếu kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã công bố 3 năm không thực hiện thì người dân được cấp xây dựng có thời hạn về cải tạo, xây dựng mới….

Các địa phương đã rà soát lại quy hoạch, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuậ, thu hồi dựa án treo như TPHCM thu hồi 176 dự án treo, Đà Nẵng 201 dự án treo, Quảng Nình rà soát hơn 1.000 quy hoạch chậm triển khai. Đây mới là kết quả bước đầu, phải tiếp tục thực hiện căn cơ. Các địa phương  phải cso lộ trình cụ thể ; lập kế hoạch đầu tư phải bố trí đủ nguồn lực; bổ sung tiêu chuẩn  quy chuẩn liên quan đến quy hoạch, thực hiện đầy đủ lấy ý kiến người dân, chuyên gia trong quá trình lập quy hoạch, tăng cường giám sát thực hiện…

Về việc chậm cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà , Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết theo quy định 50 ngày sau khi bàn giao nhà thì chủ đầu tư phải thực hiện cấp và chế tài xử phạt vi phạm lên đến 1 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục hoặc cố tình chậm trễ, chây ì.

Giải pháp được đưa ra là những dự án đã thực hiện xong thủ tục mà cố tình chây ì phải bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí chuyển cơ quan điều tra. Những dự án còn thiếu 1 số thủ tục pháp lý cần phải giải quyết song song thủ tục tục pháp lý đồngthời thực hiện ngay việc cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở. Các địa phương cần có báo cáo cụt hể để Bộ Xây dựn và Bộ TN&MT phối hợp giải quyết. Điều hcinrh quy định pháp luật về nghiệm thu nhà ở, công trình xây dựng , đảm bảo quyền sở hữu cho người dân, quy định chuyển nhượng chặt chẽ hơn.

* Trong ngày chất vấn đầu tiên (6/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.

Đã có 112 đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận, có 18 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề được đại biểu, dư luận xã hội, cử tri quan tâm.

Những nội dung các đại biểu quan tâm chất vấn đều là vấn đề “nóng”, được cử tri và nhân dân quan tâm như: Giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới; nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với thiên tai; kinh phí đổi mới chương trình sách giáo khoa; việc triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam; những giải pháp căn cơ trong phòng, chống thiên tai; nguyên nhân cơ bản của hiện tượng lũ lụt tại miền Trung; giải pháp đối với vấn đề biến đổi khí hậu; những giải pháp tạo việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam; vấn đề liên kết phát triển vùng; đạo đức cán bộ, công chức, công vụ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội bước sang ngày thứ 2 tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO