(TN&MT) - Ngày 21/11, trong khi đánh bắt ở vùng biển cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị), ngư dân Bùi Đình Khoa đã bắt được con cá nghi là cá sủ vàng quý hiếm.
Được biết, cá nặng 12 kg, dài 1,1 m, bề ngang 25 cm. Trên lưng cá có nhiều vảy vàng óng ánh. Qua tham khảo các ngư dân khác thì đây có thể là cá sủ vàng. Do cá đã chết nên anh Khoa đã đưa vào bờ bảo quản đông lạnh, chờ xác minh cụ thể.
Loài cá sủ vàng (tên khoa học là Otolithoides biauritus), còn gọi là cá sủ vây vàng, cá sủ vàng kép, cá thủ, cá đường - là loại cá lớn nhất trong họ cá đù, thuộc bộ cá vược (họ Sciaenidae), phân bố ở Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Trung Quốc, Việt Nam. Cá sủ vàng sinh sống ở biển, nhưng vào mùa sinh sản (tháng 1 - 4 và 9 - 10 âm lịch) nó sẽ bơi đến các vùng cửa sông nước lợ để đẻ. Cá con sẽ bơi vào vùng nước ngọt sâu trong đất liền sinh sống, sau 1 - 2 năm sẽ tự trở về với biển, lúc đó nó đã khoảng 10kg), kích thước có thể đạt đến 160cm, nặng trên 120kg, chiều dài tối đa có thể đạt được là 160cm.
Ở Việt Nam, ngư dân ở các địa phương như Nghệ An, Quảng Bình, Bến Tre,... từng bắt được cá nghi sủ vàng và bán với giá hàng trăm triệu đồng tuỳ theo cân nặng.