(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Văn bản số 2273/UBND- KTTC nhằm triển khai Công điện số 78/CĐ-TTg ngày 11/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 78/CĐ-TTg ngày 11/8/2024 về việc tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực Bắc Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, các Công ty TNHH MTV Thủy lợi thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện: số 78/CĐ-TTg ngày 11/8/2024 về việc tập trung ứng phó nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực Bắc Bộ.
Theo đó, tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác cả trước, trong và sau mưa lũ, đặc biệt là những địa bàn miền núi, địa bàn có hoạt động khai thác than; quán triệt thực hiện tốt phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, “từ sớm, từ xa, từ cơ sở” và phương châm “tích cực, chủ động, phòng chống và sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả”; kiên quyết không để xảy ra thiệt hại về người, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản, trong đó tập trung:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt gây ra để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó đặc biệt lưu ý công tác truyền thông, đảm bảo mọi người dân (nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là việc đi qua ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực ngập nước sâu.
Khẩn trương rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra, trọng tâm là các bãi thải mỏ, các công trình giao thông khu vực đồi núi đã và đang thi công.
Bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống.
Tổ chức rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời xác định các khu vực có nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ hoặc đã xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối, khu vực có khả năng bị cô lập... để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân.
Chủ động bố trí ngân sách địa phương (bao gồm cả dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác, không để xảy ra dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau thiên tai, không để ảnh hưởng lớn đến việc học hành của các cháu học sinh.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình địa bàn, khi có tình huống xảy ra tại địa phương phải kịp thời báo cáo ngay về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Thường trực Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh) để chỉ đạo xử lý.