Mưa bão là phải đi ở nhờ
Những ngày này, ông Võ Văn Phát ở thôn Châu Thuận Tây, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn thấp thỏm theo dõi dự báo thời tiết. Cứ nghe có áp thấp hay bão là cả gia đình ông lại sắp sửa đồ đạc kéo nhau vào trong xóm tá túc nhờ nhà người thân. Ông Phát kể, triều cường gây sạt lở và làm hư hại thì chứng kiến nhiều, nhưng chưa bao giờ khốc liệt và nhanh như 2 năm trở lại đây. Từng đợt sóng to, triều cường liên tục tấp vào bờ, đất đai, hoa màu và nhà ở cứ thế mà trôi ra biển.
Bờ kè biển do người dân tự đầu tư ở thôn Châu Thuận Tây, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bị sóng đánh tan tác |
Để khắc phục tình trạng sạt lở, gia đình ông Võ Văn Phát đã đầu tư xây dựng bờ kè bằng đá và bê tông với chiều dài khoảng 50m. Tuy nhiên, trong các đợt mưa bão vừa qua, sóng biển đã đánh sạt bờ kè, làm gãy từng đoạn, đe dọa trực tiếp đến ngôi nhà của gia đình ông.
“Bão số 9 năm 2020 đã xâm thực khoảng 20m, cộng với thủy triều dâng cao, sóng mạnh đã ập sát vào nhà rất nguy hiểm. Bà con dân làng dọc biển tự bỏ tiền làm kè chống sạt lở bờ biển với hy vọng giữ được đất làng nhưng cứ đắp rồi thì sóng biển tấp vô cuốn trôi. Nên giờ chúng tôi chỉ mong nhà nước đầu tư làm kè, chứ như thế nay thì nguy hiểm” - ông Phát lo lắng.
Xâm thực bờ biển Quảng Ngãi khiến người dân lo sợ về tài sản và tính mạng. |
Nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân các thôn ven biển xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên đối mặt với tình trạng bờ biển bị xâm thực. Năm nay, mức độ xâm thực càng nhanh hơn. Người dân dùng bao cát, cọc tre, gỗ, gạch, đá… gia cố tạm để hạn chế triều cường gây sạt lở, thế nhưng tất cả như muối đổ bể. Những lúc hay tin bão sắp đổ bộ, bà con lũ lượt bỏ nhà kéo nhau vào xóm trong ở nhờ.
“Xây kè rồi mà cũng sợ lắm, không dám ở. Bắt đầu tháng 9 âm lịch cứ nghe tiếng sóng đập mạnh là lo chạy trước, chứ không chạy là mất mạng vì ngọn sóng nó dâng vào phủ 4-5m nước, phủ nhà bên sập luôn. Bão về là sợ, sợ sóng lên tới nhà, cuốn trôi đi hết” - bà Đỗ Thị Sự cho hay.
Đe doạ “xoá sổ” làng biển
Cách thôn Châu Thuận Tây không xa, tình trạng sạt lở bờ biển ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu cũng ngày càng nghiêm trọng. Các vị trí sạt lở ngày càng ăn sâu vào đất liền, nhiều nơi sạt lở vào từ 40 - 50 m. Sau nhiều trận mưa, bão, rừng dương phòng hộ, đất đai, đường dân sinh của khu dân cư đã bị sóng biển đánh làm sạt lở, cuốn trôi. Tình trạng này đang đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Sau nhiều trận mưa, bão, rừng dương phòng hộ bị sóng biển đánh còn trơ gốc |
Ông Nguyễn Dừa (53 tuổi), Trưởng thôn Châu Thuận Biển cho biết, khu dân cư hiện có 5 con đường dân sinh để đi ra biển, giờ bà con không thể đi được vì sóng biển đánh sạt lở. Nếu nhà nước không xây kè, biển càng ăn sâu vào khu dân cư, ngôi làng này có thể sẽ bị xóa sổ trong tương lai. “Chỗ mực nước biển hiện tại trước đây là nơi ở của nhiều hộ dân trong làng tôi, nhưng cứ qua từng năm biển lấn thêm một ít nên phải chạy sâu vào bên trong. Nhiều nhà dân giờ chỉ cách khu vực sạt lở chừng vài bước chân thôi” – ông Dừa lo lắng.
Những tấm kè bê tông cũng bị sóng đánh tơi tả |
Ông Phùng Bá Vương – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, bờ biển thuộc địa bàn các thôn Châu Thuận Biển, Châu Thuận Tây và xóm Châu Tân (thôn Châu Me) đã bị sạt lở từ nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng. Khoảng 8 năm gần đây, biển đã xâm thực vào đất liền từ 50 - 100m, đặc biệt qua các cơn bão lớn như cơn bão số 9 năm 2020. Hiện nay, có khoảng 1.000 hộ dân ở các khu vực nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng, sóng biển đe dọa trực tiếp đến nhà ở, tính mạng của nhân dân
“UBND xã Bình Châu đã xây dựng phương án di dời dân vùng xung yếu đến nơi tránh trú an toàn khi có mưa bão lớn. Về lâu dài, địa phương kiến nghị UBND tỉnh, trung ương khảo sát thực tế để có giải pháp xây kè chống sạt lở vùng ven biển để đảm bảo đời sống cho nhân dân.” ông Vương kiến nghị.
Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản trình trung ương hỗ trợ kinh phí, đầu tư xây dựng kè chống sạt lở Thôn Châu Thuận Biển với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được bố trí kinh phí thực hiện