Quảng Ngãi: Tái định cư lại cho các hộ dân… vùng tái định cư

Bài & ảnh: Huỳnh Lệ| 28/09/2019 22:43

(TN&MT) - Nhiều hộ dân ở huyện miền núi Sơn Tây sau khi nhường đất cho dự án thủy điện Đăkđrinh, đã được chuyển tới các khu tái định cư (TĐC) để ổn định cuộc sống. Tuy vậy, tại các khu TĐC này không thể giúp người dân an cư vì nổi lo sạt lở khiến họ phải tiếp tục TĐC. Song, điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân mà còn gây khó khăn cho chính quyền địa phương.

Những năm qua, sạt lở luôn là nỗi lo lớn ở các khu tái định cư thuộc dự án thủy điện Đăk Đrinh
Những năm qua, sạt lở luôn là nỗi lo lớn ở các khu tái định cư thuộc dự án thủy điện Đăk Đrinh

Những khu tái định cư của dự án thủy điện Đăkđrinh (tỉnh Quảng Ngãi) từng được ví von như làng “biệt thự” giữa đại ngàn. Tuy nhiên, tại các khu tái định cư này lại xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng khiến họ phải tiếp tục tái định cư.

Nhìn từ đỉnh đồi, khu tái định cư Nước Vương (xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây) nổi bật giữa núi rừng xanh thẳm. Những căn nhà bề thế san sát nhau là minh chứng cho cuộc sống no đủ của người dân vùng cao.

Nhưng, đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, khi người dân mới chuyển từ vùng lòng hồ thủy điện Đăkđrinh về khu tái định cư. Đó cũng chính là lúc, người dân vẫn còn tiền đền bù. Bây giờ, khu tái định cư Nước Vương đã và đang rơi vào tình cảnh hiu quạnh. Những căn nhà khép hờ cửa, cỏ dại mọc đầy sân, không có nổi một bóng dáng người dân.

Xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây có 25 hộ dân thuộc diện tái định cư sau khi nhường đất cho công trình thủy điện Đăkđrinh (Công ty thủy điện Đăkđrinh), đã được chuyển đến tái định cư tại khu tái định cư Nước Vương, xã Sơn Liên. Tuy nhiên, từ năm 2016 - 2018, tại khu vực này thường xuyên sạt lở ảnh hưởng đến nhà cửa, sân vườn của người dân, do đó chính quyền huyện tiếp tục phải tìm địa điểm mới để tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Nhiều căn “biệt thự” ở vùng tái định cư vẫn vắng bóng người dân vì người dân chuyển đi tái định cư đến nơi ở khác
Nhiều căn “biệt thự” ở vùng tái định cư vẫn vắng bóng người dân vì người dân chuyển đi tái định cư đến nơi ở khác

Như gia đình chị Đinh Thị Hệ, được tái định cư tại khu D, thuộc khu tái định cư Nước Vương, sạt lở đất đã tiến sát móng căn nhà bếp của gia đình chị. Trước tình trạng đó, chính quyền xã Sơn Liên đã phải tiếp tục tái định cư cho chị Hệ.

“Vào mùa nắng thì không có lo gì, nhưng hể vào mùa mưa nước chảy từ trên núi xuống gây sạt lở đất rất nhiều. Nhà vệ sinh của gia đình cũng bị nước kéo xuống vựt luôn rồi. Có 4 hộ trong khu này phải bỏ nhà xây chuyển đến các khu vực khác dựng nhà sàn để đảm bảo an toàn. Phải đi thôi chứ ở đây nguy hiểm lắm”, chị Hệ cho hay.

Cũng tại khu E, khu tái định cư Nước Vương vào tháng 11/2017, đã có 2 ngôi nhà của ông Đinh Văn Tuấn và Đinh Văn Trung bị sạt lở cuốn trôi cả trăm mét, một số ngôi nhà khác trong khu đang bị đe dọa nghiêm trọng. Sạt lở cũng đã khiến con đường bê tông nội vùng bị gãy đôi, nứt toát, tạo ra “hố tử thần” nằm rất sâu, gây nguy hiểm cho người dân địa phương. Nhiều hộ dân đã bỏ nhà chuyển đi nơi khác, chính quyền phải dựng rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

 

Các khu tái định cư giữa đại ngàn trở nên điều hiu hơn
Các khu tái định cư giữa đại ngàn trở nên điều hiu hơn

Theo thống kê đến nay đã có 6/25 hộ tái định cư phải tiếp tục tái định cư lại do các khu tái định cư bị sạt lở. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ nằm trong nguy cơ sạt lở sẽ phải tiếp tục di dời.

Theo ông Phan Huỳnh Sơn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Liên: “Về vấn đề sạt lở tại 2 khu tái định cư này có nhiều diễn biến phứt tạp. Chính quyền cũng đã chuyển 6 hộ vùng tái định cư đến nơi ở mới nhờ sự hỗ trợ ngân sách của Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh”.

“Dù các điểm sạt lở cũ đã ổn định, nhưng chúng tôi vẫn khuyến cáo các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm phải di dời đến nơi khác. Đồng thời, dựng rào chắn tại các điểm sạt lở để đề phòng các cháu nhỏ, vật nuôi đến gần”, ông Sơn nói.

Tại khu tái định cư Anh Nhoi, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây cũng là một trong những khu tái định cư thuộc dự án thủy điện Đắk đrinh. Tình trạng sạt lở tại các phân khu tái định cư thủy điện Đăkđrinh cũng làm chính quyền địa phương đau đầu.

Một số ngôi nhà xuống cấp vì bỏ hoang lâu ngày
Một số ngôi nhà xuống cấp vì bỏ hoang lâu ngày

Các tuyến kè bao quanh khu tái định cư này đều bị sạt lở nặng. Nhiều nhà ở của dân nằm rất gần điểm sạt lở và có nguy cơ bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Xã Sơn Long đã lập phương án di dời dân khẩn cấp khi có mưa lớn, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đồng thời lên phương án tiếp tục tái định cư để đảm bảo cuộc sống lâu dài. Hiện đã có 3/27 hộ dân tại khu tái định cư Anh Nhoi phải di dời chỗ ở. Nhiều ngôi nhà khác có nguy cơ bị sạt lở đe dọa khi mùa mưa bão đang đến gần.

Sạt lở khiến nhiều căn nhà tái định cư khang trang bị bỏ hoang, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ câu chuyện. Những khu tái định cư ngày càng đìu hiu hơn do người dân quay về vùng lòng hồ nơi người dân từng sinh sống trước khi tái định cư để tìm đất sản xuất. Phần lớn họ bỏ nhà đi vài tháng để trồng lúa, hết vụ mùa lại quay về nhà tái định cư. Một số ít về hẳn vùng lòng hồ dựng nhà sàn tạm bợ sinh sống. Với họ, những căn nhà bề thế, khang trang nằm ở vùng sạt lở, xa đất canh tác... không thể giúp họ an cư, lạc nghiệp.

Theo ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBNN xã Sơn Long: “Chính quyền đã vận động, nhưng người dân họ vẫn quyết đi. Một số hộ dân quay về vùng lòng hồ vì ở đó họ còn đất sản xuất. Sạt lở đe dọa nhà dân nên họ đi nơi khác sinh sống, nhiều người phải di dời đến nơi ở tạm nếu có mưa lũ lớn họ sẽ quay về”.

Điểm sạt trượt tạo nên “hố tử thần” ở khu tái định cư Nước Vương
Điểm sạt trượt tạo nên “hố tử thần” ở khu tái định cư Nước Vương

Huyện Sơn Tây có 3 khu tái định cư tập trung do nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án thủy điện Đăk đrinh, gồm: khu tái định cư thôn Nước Vương, xã Sơn Liên có 25 hộ; khu tái định cư ĐăkLang xã Sơn Dung có 38 hộ và khu tái định cư Anh Nhoi, xã Sơn Long có 27 hộ.

Tuy nhiên, các hộ dân sau khi được tái định cư lại phải tiếp tục tái định cư do các khu tái định cư bị sạt lở nghiêm trọng. Việc phải tái định cư lại cho các hộ đã gây ra nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương nơi đây.

Ông Đinh Quang Ven - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: “Việc phải tái định cư lại cho các hộ đã tái định cư là vấn đề tồn tại nhiều năm nay tại huyện Sơn Tây. Huyện đã nhiều lần báo cáo cho tỉnh cũng như các cơ quan chức năng liên quan để xin kinh phí hỗ trợ tái định cư lại cho những hộ vùng tái định cư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hộ nằm trong khu vực nguy hiểm chưa được tái định cư lại, do đó, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho họ thì vào mùa mưa bão chính quyền sẽ hỗ trợ họ di dời đến những nơi an toàn hơn, khi hết nguy hiểm họ lại phải trở về nơi ở cũ để sinh sống và sản xuất”.

“Về cơ bản, khi xây dựng các khu tái định chưa đánh giá hết được tác động của thời tiết nên bị sạt lở trong mùa mưa bão. Đồng thời, Sơn Tây là huyện miền núi, các khu tái định cư đều phải san ủi núi để xây dựng, nên việc bị sạt lở là khó tránh khỏi. Do đó, những khu tái định cư sau này chúng tôi đều phải xây dựng kè, yêu cầu các cơ quan chức năng tính toán kỹ nguy cơ sạt lở để tránh tình trạng phải tái định cư nhiều lần, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân cũng như khó khăn cho chính quyền địa phương”, ông Ven nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Tái định cư lại cho các hộ dân… vùng tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO