Kiểm soát khoáng sản trái phép
Khoáng sản là loại tài nguyên hữu hạn và hầu hết không được tái tạo nên cần phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đạt hiệu quả kinh tế cao. Để đạt được các mục tiêu trên, cần đa dạng hóa, đa hình thức trong công tác tuyên truyền cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp để làm chuyển biến nhận thức và sự hiểu biết cho tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Đặt thù địa chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tồn tại khá đa dạng về thành tạo địa chất có tuổi từ cổ đến trẻ; hoạt động kiến tạo xảy ra một cách mạnh mẽ và kèm theo đó là các hoạt động magma, nhiệt dịch, các quá trình biến chất trên diện rộng; quá trình phong hóa dưới tác động của môi trường. Đó là yếu tố quyết định đến sự thành tạo nhiều loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả khoan thăm dò cho biết, trên địa bàn tỉnh đang tồn tại và phân thành bốn nhóm khoáng sản: Khoáng sản kim loại (sắt, nhôm, thiếc, vàng…); khoáng chất công nghiệp (than bùn, kaolin, graphit…); vật liệu xây dựng (đá ốp lát, đá xây dựng, puzoland…); đá mỹ nghệ và nước khoáng (cát kết, thân cây silic, nước khoáng – nước nóng).
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Minh Hải- Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian vừa qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, tạo chuyển biến tích cực rỏ nét. Hoạt động khoáng sản đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, phục vụ dân sinh, góp phần tăng ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi.
Công tác quản lý khoáng sản nói chung và công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nói riêng đã được các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật quan tâm thực hiện. Hàng năm, các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, truy quét và xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản; hoạt đồng tuyên truyền và phổ biến pháp luật được tăng cường, nhờ thế mà tài nguyên khoáng sản cơ bản được bảo vệ tốt, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cơ bản đã được xử lý và kiểm soát.
Còn nhiều tồn tại và hạn chế
Tuy nhiên, khai thác khoáng sản trái phép đối với một số loại khoáng sản, đặc biệt là vàng sa khoán ở vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện miền núi vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi triệt để; tình trạng khai thác vật liệu sang lấp, cát sỏi xây dựng lòng sông, đất sét làm gạch ngói ở các huyện trung du chưa đảm bảo hiệu quả, vẫn xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ tái diễm.
Một số cấp ủy chính quyền địa phương cấp huyện, xã còn thiếu trách nhiệm, chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, còn có hiện tượng nể nang, né tránh trong việc xử lý. Nhận thức, hiểu biết và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa cao. Một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật hoặc lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để tiến hành khai thác khoáng sản trái phép.
Nguyên nhân chính là do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản chủ yếu tập trung vào đối tượng là cán bộ quản lý, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản, chưa tổ chức tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục đến người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có khoáng sản.
Ngoài ra, công tác kiểm tra hoạt động khoáng sản trái phép đã được tăng cường, xong công tác xử lý sau kiểm tra chưa triệt để. Công tác phối hợp giữa các Sở ngành liên quan với UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong công tác kiểm tra, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác vẫn còn hạn chế.
Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác
Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cho cán bộ quản lý các cấp, doanh nghiệp và nhân dân về hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định tại Điều 16 và Điều 18 Luật Khoáng sản năm 2010, Điều 17 và Điều 18 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về việc tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.
Đối tượng khoáng sản chưa khai thác cần bảo vệ, gồm: Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; Khu vực thuộc quy hoạch khoáng sản của địa phương và Trung ương; Khu vực đã thực hiện đóng cửa mỏ; Khu vực được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản và các khu vực có tiềm năng, triển vọng về khoáng sản được bảo vệ theo quy định của Luật Khoáng sản.
Các khu vực thuộc quy hoạch khoáng sản của địa phương theo danh mục đã được UBND tỉnh phê duyệt tại các Quyết định số: 546/QĐ-UBND ngày 09/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 45/QĐ-UBND ngày 21/01/2013 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn) tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.
Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, sử dụng đất, các tổ chức, cá nhân có liên quan, thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; Công khai quy hoạch khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, khu vực cấm và khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực cấp phép và khu vực chưa cấp phép hoạt động khoáng sản;
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh khoáng sản trái phép; thường xuyên giám sát các khu vực khoáng sản có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.