Quảng Ngãi: Người dân bất an trước nguy cơ gia tăng xâm thực bờ biển

Võ Hà| 01/11/2022 16:48

(TN&MT) - Trong vòng 10 năm qua, vùng biển Châu Me (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) xâm thực vào đất liền khoảng 200m, có nguy cơ làm mất đất sản xuất, ảnh hưởng đời sống của người dân. Tình trạng xói lở ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Là người dân sống ven biển từ bao đời nay, nhưng chưa năm nào, bà Nguyễn Thị Tình ở xóm Châu Tân, thôn Châu Me thấy tình trạng biển xâm thực mạnh như năm nay. Nỗi lo này càng thường trực hơn vào mùa mưa bão, áp thấp nhiệt đới. Điển hình như ảnh hưởng bão số 5 vừa qua, triều cường dâng cao bất ngờ, ập vào sâu trong đất liền, gây sạt lở, đứt gãy các tuyến giao thông và đe dọa nhiều nhà dân ven biển.

satqngai.jpg
Triều cường gây sạt lở ở bờ biển thôn Châu Me (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn)

“Nhà cách biển cả trăm mét, vậy mà lúc 9 giờ tối mở cửa ra thì thấy nước trào vào vườn, nhà. 2 ngày liên tiếp như vậy. Bão số 9 năm 2020 nước biển cũng vào sâu trong này, nhưng hồi đó mưa gió lớn. Còn như mấy hôm rồi thì trời bình thường, biển động ít mà nước dâng lên cao như vậy nên rất lo lắng” - bà Nguyễn Thị Tình cho hay.

Sau các đợt triều cường, trong vườn bà Tình ngổn ngang đất cát, một khoảng tường cũng bị kéo sập. Lo sợ tình trạng này sẽ còn phức tạp, bà Tình vay mượn tiền để mua vật liệu xây bờ tường chỗ hàng rao gồm 5 lớp gạch, chạy dọc theo tuyến đường dẫn ra biển với chiều dài khoảng 90 m để ngăn sóng.

satqngai2.jpg
Triều cường đã đánh sập nhiều gốc dương liễu và cây dứa biển

Cũng chung tâm trạng lo lắng như bà Tình, ông Bùi Văn Long chia sẻ: “Chưa thấy năm nào không có gió bão mà triều cường lại dâng cao như năm nay, hơn hẳn so với các năm khác. Trước kia dọc ven biển có rừng dứa biển ngăn sóng, nhưng qua các đợt mưa bão, triều cường đã bị sóng cuốn sạch. Bây giờ sóng cứ thế lấn sâu vào đất liền, gây sạt lở và hư hại nhiều nơi. Dân chỉ mong nhà nước đầu tư kè chống sạt lở để yên tâm làm ăn”.

satqngai4.jpg
Sóng biển dâng cao mang theo cát và rác tấp vào khu dân cư sát biển

Đợt triều cường vừa ra đã gây ra hiện tượng xói lở gần 2 km bờ biển Châu Tân, có 4 tuyến đường dân sinh đã bị sóng đánh sập, nhiều cây dương liễu, dứa biển... bị bật gốc, trồi rễ cả mét, đất nông nghiệp cũng bị nước cuốn trôi. Theo ông Lê Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Bình Châu, triều cường dâng cao chưa từng thấy trong những ngày qua đã làm cho hàng trăm hộ dân ở thôn Châu Me bị ảnh hưởng. Chính quyền đã kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ngãi và cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư khẩn cấp kè chống sạt lở để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.

“Thủy triều dâng cao đã xâm thực vào vườn nhà dân ở xóm Châu Tân, thôn Châu Me hàng trăm mét tính từ mép biển, đồng thời gây sạt lở nghiêm trọng dọc bờ biển xóm Châu Tân, trong đó đánh sập hàng chục mét đường ở 4 tuyến đường dân sinh phục vụ bà con xóm Châu Tân ra biển. Các tuyến giao thông này đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở, hư hỏng nhiều hơn”, ông Nguyên cho biết.

satqngai5.jpg
Sóng biển ngoạm sâu và tiến sát vào nhà cửa của người dân

Mới đây, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã dẫn đầu đoàn kiểm tra thực tế tình trạng thủy triều dâng cao bất thường và xâm thực vào đất liền, gây sạt lở ở vùng biển Châu Me.

“Trong vòng 10 năm qua, biển lấn vào đất liền khoảng 200 m và ngày càng diễn biến nặng hơn, có nguy cơ làm mất đất sản xuất, ảnh hưởng đời sống của người dân. Địa phương đã triển khai công tác ứng phó, cơ bản đảm bảo tính mạng của người dân. Về lâu dài, khu vực này cần phải có giải pháp căn cơ, xây kè để chống sạt lở, xâm thực", ông Trần Phước Hiền nói.

satqngia.jpg
 Một tuyến giao thông bị sóng biển quật vỡ tan tành

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, sau kiểm tra, nhận thấy tình hình xâm thực, sạt lở nơi đây có tính chất phức tạp nên giao cho các ban, ngành phối hợp với địa phương nghiên cứu cụ thể. Trên cơ sở đó, kiến nghị Trung ương và tỉnh để có giải pháp mang tính ổn định, đảm bảo đời sống và sản xuất của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Người dân bất an trước nguy cơ gia tăng xâm thực bờ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO