Từ nghịch lý nước sạch nông thôn
Những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã có hàng trăm công trình nước sạch nông thôn được triển khai xây dựng ở các địa phương. Tuy nhiên, các công trình này cơ bản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Phần lớn người dân ở vùng nông thôn vẫn phải dùng nước giếng, có nơi bị đóng phèn chua, ô nhiễm. Bà Nguyễn Thị Kim ở thôn Tình Phú Bắc, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành cho biết, giếng của gia đình vào mùa nắng vẫn đảm bảo nước dùng, nhưng bây giờ dân cư đông đúc, mạch nước ngầm bị ô nhiễm, nên bà thấy không yên tâm. Người dân vẫn mong muốn địa phương triển khai hệ thống cấp nước sạch đến hộ gia đình để yên tâm về sức khỏe.
Trong khi đó, nhiều công trình nước sạch được đầu tư hàng chục tỷ đồng lại bỏ hoang sau nhiều năm đưa vào vận hành vì không mang lại hiệu quả như mong muốn. Điển hình như 2 công trình nước sạch ở thôn Tăng Long, xã Tịnh Long, TP. Quảng Ngãi được đầu tư quy mô với tổng kinh phí gần 15 tỷ đồng nhưng chỉ hoạt động một thời gian rồi bỏ hoang. Sự lãng phí này khiến người dân rất bức xúc và mong muốn sớm có phương án xử lý phù hợp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Tịnh Long cho biết: “Công trình xây dựng để phục vụ cho người dân các khu tái định cư dự án đường Dung Quất - Sa Huỳnh. Năm 2013, các khu tái định cư hoàn thành, hộ dân đã vào làm nhà, đóng giếng, trong khi đó công trình cấp nước sinh hoạt do dự án xây dựng được thực hiện năm 2015, dẫn đến nhu cầu sử dụng nước chỉ còn khoảng hơn 50 hộ. Không những thế, khi công trình hoàn thành, hệ thống đường ống có chất bẩn và chất hữu cơ, UBND xã kiến nghị chủ đầu tư xả đường ống, mặc dù đã làm sạch nhưng người dân cũng không dám sử dụng lại”, ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích.
Đến “giải bài toán” sử dụng nước sạch hợp lý
Theo kết quả phê duyệt Bộ chỉ số Theo dõi - Đánh giá nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ngãi năm 2021 đối với 513 công trình cấp nước nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh (hơn 90% công trình quy mô nhỏ dưới 250 hộ), thì chỉ có 36 công trình bền vững và tương đối bền vững; 344 công trình kém bền vững và 133 công trình không hoạt động. Tỉnh Quảng Ngãi đang phấn đấu để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2025, đảm bảo 100% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 75% người dân được sử dụng nước sạch.
Ông Lê Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi (Sở NN&PTNT) cho biết, sở dĩ nhiều công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh hoạt động không ổn định, kém bền vững là vì không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Hiện nay Trung tâm đang quản lý 19 công trình nước sạch có công suất phục vụ 24,15 nghìn hộ dân tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, TX. Đức Phổ và TP. Quảng Ngãi. Để các công trình nước sạch này phát huy hiệu quả, đơn vị đều đảm bảo cán bộ có chuyên môn tăng cường duy tu, sửa chữa khi xảy ra hư hỏng. Đồng thời, tích cực tuyên truyền để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ TNN.
“Bên cạnh việc thường xuyên duy tu, sửa chữa các hư hỏng như đường ống bị vỡ, tắc, vòi hỏng… để tránh thất thoát TNN, chúng tôi thực hiện thu phí sử dụng nước sạch, số tiền này nhằm đảm bảo duy trì và thực hiện hoạt động quản lý, duy tu bảo dưỡng các công trình cấp nước sạch nông thôn và nâng cao ý thức sử dụng nước của người dân”- ông Minh chia sẻ.
Để đảm bảo sử dụng hiệu quả TNN tại các công trình nước sạch, hạn chế nguy cơ lãng phí, thất thoát nước, các công trình nước sạch trước khi được xây dựng phải tính toán đến nhu cầu sử dụng cũng như cần chú trọng đến công tác lấy ý kiến của người dân, thăm dò nguồn nước trước khi đầu tư công trình theo quy định của Luật Tài nguyên nước.
Ông Nguyễn Biện Như Sơn, Phó phòng Khoáng sản - Tài nguyên nước, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi
Về phương diện quản lý TNN, ông Nguyễn Biện Như Sơn Phó phòng Khoáng sản - Tài nguyên nước, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, thực tế công tác quản lý, sử dụng các công trình nước sạch trên địa bàn còn nhiều bất cập. Nhiều công trình nước sạch được xây dựng chưa tính toán đến nhu cầu sử dụng của người dân nên sau khi đầu tư và thu tiền thì không đủ kinh phí vận hành, sửa chữa sau khai thác. Ngoài ra, việc khảo sát, thăm dò nguồn nước trước khi đầu tư công trình nước sạch cũng chưa được nhiều đơn vị chú trọng, trong khi đây là những khu vực thường xuyên thiếu nước nên xảy ra tình trạng không có nước để khai thác sau khi công trình hoàn thiện.