Bảo vệ các vùng đất ngập nước
Theo Sở NN&PT NT tỉnh Quảng Ngãi, địa phương hiện có 7 vùng đất ngập nước quan trọng, gồm: Bàu Cá Cái và sông Đầm (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn) diện tích 144,4ha rừng ngập mặn vùng nước cửa sông, ao hồ, nuôi trồng thủy sản; Đầm Nước Mặn (xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) diện tích 314ha chủ yếu đầm phá ven biển; Đầm An Khê (xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ) diện tích 446,86ha chủ yếu đầm phá ven biển; Đất ngập nước huyện Lý Sơn diện tích 843,52ha vùng ven biển nông ven bờ, thảm cỏ biển, rạn san hô, bãi vùng gian triều; Khu rừng Nà (xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức) diện tích 17,97ha chủ yếu rừng ngập nước có cây gỗ chiếm ưu thế và 2 hồ thủy điện thuộc diện tích đất ngập nước.
Trong các nội dung bảo vệ và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước mà tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện, đáng chú ý là thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội. Điều này thể hiện bằng việc thực hiện dự án trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn ven biển bàu Cá Cái tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, và dự án trồng rừng ngập mặn ven biển tại các xã Bình Phước, Bình Đông và Bình Dương (huyện Bình Sơn) thuộc dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) tài trợ không hoàn lại. Khu vực triển khai dự án nằm dọc hai bên sông Cà Ninh, quy mô 107,49ha, trong đó trồng mới 65,64ha, thời gian thực hiện năm 2018-2019.
Thực tế, thời gian qua, địa phương đã trồng mới và phục hồi hơn 100ha rừng ven biển tại xã Bình Thuận; trồng hơn 45 ha tại các xã Bình Phước, Bình Đông, Bình Dương (Bình Sơn). Cây trồng rừng ngập mặn chủ yếu là cóc, bần, dừa nước... Không chỉ có tác dụng điều hoà khí hậu, bảo vệ cảnh quan ven bờ, chống xói mòn, hạn chế gió bão, bảo vệ đê ven biển mà rừng ngập mặn còn góp phần làm sạch môi trường, giữ gìn sự cân bằng hệ sinh thái cho những vùng đất bị ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển. Đặc biệt, những dự án này sau khi được nghiệm thu, đã bàn giao lại cho người dân tham gia quản lý, hưởng lợi, góp phần nâng trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ diện tích rừng ngập mặn.
Ông Lê Quang Thanh – Trưởng thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận chia sẻ: “Rừng hồi sinh mở rộng như bây giờ là do ý thức của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp. Cùng với đó là sự chung tay bảo vệ, hỗ trợ của một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong và ngoài nước”.
Người dân hưởng lợi
Anh Phạm Duy Nghĩa (40 tuổi, thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vừa khua mái chèo, vừa nhẩm tính: “Kể ra đã gắn bó 20 năm mưu sinh ở rừng ngập mặn. Mấy đứa con cũng nhờ tôm cá nơi này mà được học hành. Gia đình tôi đang tính đến việc nuôi thả cua xanh để tăng thu nhập. Với mỗi 2 vạn con cua giống, trừ tiền vốn đầu tư khoảng 1,2 triệu đồng, sau 3 tháng, nếu suôn sẻ cũng cho lợi nhuận khoảng 15 – 20 triệu đồng.”.
Theo anh Nghĩa, vùng quê này được bao bọc bởi sông nước vây quanh. Mỗi lần mưa bão xuất hiện là ruộng đồng bị bồi lấp, nhà cửa, mồ mả bị sạt lở. Những năm gần đây, nhờ có rừng ngập mặn che chắn, nên tác hại của bão đã giảm đi đáng kể. Nhà và cây cối của anh không bị ảnh hưởng nhiều. Rất nhiều hộ dân ở đây, ngoài việc khai thác nguồn lợi thủy sản từ trong bàu, còn nuôi thả cua xanh, nuôi tôm tự nhiên để tăng thu nhập. Rừng ngập mặn bàu Cá Cái như tấm lá chắn bảo vệ xóm làng mỗi mùa mưa bão, đồng thời cũng như lá phổi xanh giúp điều hòa môi trường, tạo không khí mát mẻ. Mấy năm gần đây, thời điểm không có dịch Covid-19, bà con ở đây lại có thêm thu nhập từ việc chở khách đi du ngoạn, thăm thú cảnh đẹp của bàu Cá Cái.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, điều phối của dự án GCF tạiQuảng Ngãi cho biết, từ năm 2014 đến nay, dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” tại Quảng Ngãi đã trồng hơn mới và bảo vệ 80ha rừng ngập mặn tại bàu Cá Cái, trong đó đã giao khoán hơn 50ha rừng già cho các hộ dân bảo vệ. Hiện, dự án đã hỗ trợ được việc làm, sinh kế cho 10 hộ dân quanh dự án trồng rừng (3.000 con vịt, thức ăn, thuốc/hộ); 15 hộ quản lý, bảo vệ rừng; trên 40 hộ lao động trồng rừng…
“Sau khi khu rừng này hình thành đã có tác dụng che chắn bão, hệ sinh thái cải thiện rõ rệt, các loài chim, cò, đặc biệt là vịt trời về đây cư trú, sinh sản rất nhiều. Dưới các luồng lạch, cá, ốc, cua cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Người dân có thể đánh bắt nhưng bắt buộc phải bằng phương pháp thủ công.” - bà Nguyễn Thị Thùy Dung cho biết.