Quảng Ngãi: Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn

04/03/2016 00:00

(TN&MT) - Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới tại Quảng Ngãi, môi trường là tiêu chí khó  đạt nhất khi mà nhiều nơi đang chịu sức ép rất lớn của chất thải sản xuất, sinh hoạt và làng nghề… Để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại nông thôn cần nguồn kinh phí rất lớn, tốn kém nên nhiều địa phương vẫn còn bỏ ngỏ vấn đề này.

Thói quen xả rác bừa bãi gây ô nhiêm môi trường nông thôn
Thói quen xả rác bừa bãi gây ô nhiêm môi trường nông thôn

Bức tử vì ô nhiễm

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 22 làng nghề tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, bình quân hàng ngày thải ra môi trường hàng ngàn m3 nước thải, tác động trực tiếp tới môi trường nước, không khí, đất trong khu vực và sức khỏe của người dân xung quanh. Bên cạnh đó, chất thải trong chăn nuôi cũng gây sức ép lớn đến môi trường nông thôn. Theo thống kê của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh Môi trường nông thôn (MTNT), trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 230.000 hộ gia đình chăn nuôi phân tán, xen lẫn trong các khu dân cư. Trong đó, số hộ dân thực hiện các dự án khí sinh học giảm thiểu ô nhiễm trong chăn nuôi chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, việc giải quyết chất thải trong chăn nuôi tại khu vực nông thôn đang là vấn nạn chưa thể giải quyết triệt để. Hiện, tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được xử lý đạt khoảng 40%. Điều đó đồng nghĩa với việc 60% lượng chất thải rắn còn lại, người dân phải “tự lo”.

Thói quen xả rác bừa bãi của người dân vẫn còn phổ biến, trong khi đó hiệu quả từ hoạt động thu gom lại hạn chế. Theo ông Nguyễn Văn Thuộc- Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn: “Vấn đề quá tải rác thải khu vực nông thôn, nhất là tại các khu vực ven biển đang ngày càng trở nên bức xúc. Trong khi đó, kinh phí để xử lý ô nhiễm MTNT lại quá thấp, nên Trung tâm chỉ mới dừng lại ở công tác tuyên truyền. Còn tại các địa phương, chính quyền và người dân phải tự thành lập đội thu gom, sau đó hợp đồng với các công ty thu gom để đưa rác về bãi chôn lấp”.

Đáng lo ngại hơn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang tồn tại 6 kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bị ô nhiễm. Các kho thuốc này tồn tại từ rất lâu, đã dần ngấm vào đất, gây ô nhiễm mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đơn cử như kho thuốc BVTV tại xã Phổ Cường. Đây là kho thuốc xây dựng từ năm 1986, hiện tầng đất bên dưới nền kho bị ô nhiễm nặng bởi các loại thuốc BVTV. Các tầng đất khu vực xung quanh nền kho bị ảnh hưởng nhiều mức độ khác nhau. Mùi hôi của thuốc BVTV vẫn tiếp tục phát sinh và phát tán ra khu vực xung quanh theo sự thay đổi của thời tiết. Đáng chú ý nhất là nhà kho nằm giữa khu dân cư, tiếp giáp 2 con đường đi lại của người dân trong xã.

Nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường

Ông Võ Ngọc Dũng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận: Việc phát triển sản xuất chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Chất thải là bao bì, chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật chưa được thực hiện, trong khi đó việc thu gom và xử lý hợp vệ sinh chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân đã gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến môi trường, sinh thái và sức khỏe cộng đồng. “Trong khi nguồn kinh phí dành cho việc xử lý, thu gom rác thải nông thôn còn hạn chế thì địa phương đang vận động, tuyên truyền nhân dân phát huy vai trò tự quản của trong việc bảo vệ môi trường bằng các hoạt động nhân rộng nhiều mô bảo vệ môi trường hình hiệu quả.” – ông Dũng cho biết.

Những mô hình thu gom rác thải, thuốc bảo vệ thực vật cần được nhân rộng
Những mô hình thu gom rác thải, thuốc bảo vệ thực vật cần được nhân rộng

Điển hình như mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hòa giảm nghèo và bảo vệ môi trường tại 2 xã Bình Dương (Bình Sơn) và xã Phổ Ninh (Đức Phổ) đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Bà Đinh Thị Dinh – Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Vĩnh Bình cho biết: Trước đây, vì không có đội thu gom rác thải, người dân lại thiếu ý thức nên nhiều tuyến đường vắng đã trở thành bãi rác, người dân vô tư xả rác hay xả chất thải chăn nuôi… khiến cảnh quan xấu xí và môi trường ô nhiễm. Nhưng giờ, cảnh tượng đó đã không còn. Hầu hết các hộ dân ở cả 4 khu dân cư của thôn đều đăng ký thu gom rác thải hoặc thực hiện chôn đốt rác thải theo đúng quy định. 3 tháng một lần, Tổ tự quản lại kêu gọi và tổ chức cho bà con dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm một lần, từng bước tạo ra hình ảnh khu dân cư không rác, đường làng ngõ xóm sạch đẹp.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn, địa phương cần có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách huy động tài chính, kêu gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực vệ sinh môi trường nông thôn. Bởi hiện tại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp mặn mà với việc đầu tư, xây dựng nhà máy thu gom, tái chế rác thải ở khu vực nông thôn. – ông Thuộc kiến nghị.

Bài và ảnh: Võ Hà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO