Kế hoạch triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam
Chính phủ ban hành Nghị Quyết số 259/NQ-CP Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Thành lập và vận hành Trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong năm 2025
Quan điểm, mục đích yêu cầu của Kế hoạch là quán triệt và đảm bảo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ, toàn diện, nhất quán quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung của Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam đã được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương tại Thông báo số 47-TB/TW, trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ để bứt phá.
Đồng thời, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động trọng tâm, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cấp trình, dự kiến sản phẩm đầu ra và thời gian hoàn thành cụ thể để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, các cơ quan có liên quan tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động; trong đó tập trung thể chế hóa các giải pháp, mô hình, chính sách áp dụng để xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế tại Việt Nam của Đề án theo Thông báo số 47-TB/TW.
Bảo đảm hài hòa, đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong các ngành, lĩnh vực của từng bộ, ngành và địa phương nhằm tối ưu hóa tính khả thi trong triển khai Kế hoạch hành động.
Các cơ quan từ trung ương đến địa phương phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ; triển khai theo tiến độ, lộ trình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, quyết tâm xây dựng các văn bản quy định cụ thể về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; thành lập và vận hành Trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong năm 2025.
6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Kế hoạch
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động trọng tâm để các bộ ngành, địa phương thực hiện triển khai. Cụ thể:
1- Chỉ đạo, điều phối liên ngành trong phạm vi quốc gia và từng địa phương: Thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế để tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo định hướng, chiến lược, điều phối bảo đảm vận hành thông suốt, nhất quán theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, đặc biệt là giai đoạn xây dựng cơ chế, chính sách; đề nghị Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng thành lập Ban Chỉ đạo/Tổ công tác của hai thành phố về xây dựng TTTC do Bí thư Thành ủy các thành phố làm Trưởng ban để lãnh đạo, chỉ đạo việc thành lập và vận hành TTTC Thành phố Hồ Chí Minh, TTTC Đà Nẵng.
2- Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về Trung tâm tài chính: Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính; xây dựng văn bản quy định và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về TTTC; xử lý các vướng mắc pháp lý phát sinh, hướng dẫn (hoặc đề xuất hướng dẫn) áp dụng Nghị quyết về Trung tâm tài chính và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoặc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan (theo Kế hoạch cụ thể sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết).
3- Bố trí, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển Trung tâm tài chính: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng TTTC tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; chuẩn bị, đào tạo nguồn nhân lực trong bộ máy nhà nước phục vụ cho quản lý, vận hành TTTC; thuê các đơn vị tư vấn và chuyên gia trong nước và quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành TTTC.
4- Thành lập Trung tâm tài chính: Chuẩn bị địa điểm để sẵn sàng cho việc phát triển TTTC; xây dựng bộ máy quản lý và vận hành TTTC ( thành lập Tổ Công tác về xây dựng tổ chức bộ máy quản lý, điều hành Trung tâm tài chính (do Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Tổ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng là Phó Tổ trưởng và các thành viên là lãnh đạo các cơ quan liên quan) để triển khai việc thành lập các cơ quan trong TTTC); thiết lập và vận hành bộ máy quản lý TTTC.
5- Truyền thông và xúc tiến đầu tư: Chủ động làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị về thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; xây dựng kế hoạch và thực hiện truyền thông trong nước và nước ngoài về TTTC Thành phố Hồ Chí Minh và TTTC Đà Nẵng; xúc tiến đầu tư, mời gọi đầu tư vào TTTC Thành phố Hồ Chí Minh và TTTC Đà Nẵng.
6- Tổ chức sơ kết, tổng kết Đề án.