Nhiều ngày nay, người dân thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ khổ sở khi phải sống chung với "núi rác" rợn người do sóng lớn dạt vào. Theo người dân sống ở khu vực này, sóng lớn và triều cường mạnh đã “cuốn” lớp rác nằm dưới đáy sông Bài Ca (Cửa Sa Kỳ) rồi đẩy vào bãi sau ở thôn An Vĩnh. Cùng với đó, dòng nước từ nhánh sông suối các xã: Tịnh Khê, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa, Bình Châu mang theo một lượng rác rồi tấp vào, biến khu vực trên thành bãi rác.
Núi rác khổng lồ ở biển thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ |
Ngoài ra, lượng rác thải tại chỗ đã làm cho tình trạng ô nhiễm ở bãi sau càng thêm trầm trọng. Cứ đến mùa mưa lũ, hàng trăm hộ dân sống cạnh bờ biển phải chịu cảnh sống chung với rác thải.
Ước tính núi rác ở bãi Sau chiều dài hơn 800 m. Ngoài ra, bãi trước thôn An Vĩnh cũng tồn đọng lượng rác kéo dài 400 m. “Rác thải trôi vào bãi biển thôn An Vĩnh diễn ra từ hàng chục năm qua, làm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt sau mưa bão cuối năm 2021, tình trạng này càng nghiêm trọng hơn”, ông Phạm Ngọc Thanh, Trưởng thôn An Vĩnh cho biết.
Theo tìm hiểu, nguồn rác tấp vào bãi biển thôn An Vĩnh chủ yếu là từ thượng nguồn các con sông, suối các địa phương, mưa lũ cuốn rác theo các sông đổ ra cửa biển Sa Kỳ, tấp vào eo biển thôn An Vĩnh. Như thế, trong suốt hàng chục năm nơi đây đã trở thành điểm cuối tập hợp rác.
Ra quân dọn dẹp rác trả lại bãi biển sạch |
Để trả lại bãi biển sạch, dự án “Tử tế với Sa Kỳ” đã kêu gọi sự chung tay, góp sức từ thanh niên, người dân và sự hỗ trợ từ Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi tham gia dọn dẹp.
Chương trình huy động 2 xe đào, 5 xe ép rác, xe thùng, xe xúc, máy phun khử mùi,… để thu gom, dồn đống, xúc rác vào thùng và đưa về nơi xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ. Hàng chục thanh niên, người dân đã tham gia dọn dẹp rác bãi biển.
Theo anh Huỳnh Văn Thương- Chủ nhiệm dự án “Tử tế với Sa Kỳ”, rác nhựa còn nằm dưới lòng sông ở cửa Sa Kỳ rất dày. Sau mỗi mùa mưa bão, sóng kéo rác tấp vào bờ biển An Vĩnh, mỗi năm đều phải dọn dẹp. “Việc thu gom rác ở các địa phương có sông suối đổ về cửa biển Sa Kỳ phải đạt 90% trở lên, thì rác mới không còn tấp vào bãi biển thôn An Vĩnh nữa”, anh Thương nói.
Hàng chục tấn rác được thu gom và xử lý |
Bên cạnh việc ra quân dọn rác, Dự án “Tử tế với Sa Kỳ” cũng triển khai “đổi công dọn rác lấy quà tặng”. Người dân xã Tịnh Kỳ tham gia dọn rác sẽ được tặng quà là giỏ đi chợ, dầu ăn, bột ngọt, đường,… khuyến khích thanh niên, người dân địa phương tham gia nhiệt tình, lan tỏa lối sống có trách nhiệm với môi trường biển.
Dự án cộng đồng “Tử tế với Sa Kỳ” do nhóm cá nhân thực hiện chương trình. Thông qua việc kêu gọi sự chung tay, góp sức bằng nhiều hình thức của cộng đồng, dự án xác định người dân chính là đối tượng trung tâm của câu chuyện chống rác thải nhựa đại dương.
Dự án nhận được sự hưởng ứng chung tay của nhiều người dân |
Chưa bao giờ, một dự án xã hội hóa tại tỉnh Quảng Ngãi lại nhận được sự hưởng ứng, chung tay của đông đảo người dân, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội đến vậy. Không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu tuyên truyền, mỗi cá nhân bằng hành động nhỏ, người góp công, góp kinh phí, vật dụng hay chỉ bằng một cái nhấp chuột… tất cả góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc chống lại rác thải nhựa.