Biến đổi khí hậu

Quảng Ngãi: Cửa biển khắp nơi bị bồi lấp

Võ Hà 07/06/2024 - 13:44

(TN&MT) - Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên nhiều cửa biển ở Quảng Ngãi như Cổ Lũy, Mỹ Á… bị bồi lấp nặng, những gây khó khăn cho hoạt động khai thác hải sản mà còn ảnh hưởng lĩnh vực hậu cần nghề cá.

Ảnh hưởng sinh kế

Vào mùa biển lặng, mực nước biển thấp cũng là lúc tàu, thuyền ra khơi tấp nập. Thế nhưng, đây lại là thời điểm tình trạng bồi lắng tại cửa biển Cổ Lũy (xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi) diễn ra phức tạp. Ngư dân Trương Hoài Phong, trú xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi cho biết, luồng sông Phú Thọ cạn, cửa biển Cổ Lũy bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu thuyền ra, vào khai thác hải sản rất khó khăn, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của bà con.

boilap3.jpg
Tàu cá công suất lớn khai thác xa bờ không vào cảng Cổ Lũy được do bồi lấp

“Cửa biển bị bồi lấp, luồng sông cạn nên tôi cùng nhiều ngư dân khác phải neo đậu tàu thuyền ở cảng cá Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa hoặc các tỉnh bạn, nhiều khó khăn vô cùng vì lo sợ tài sản tàu thuyền trị giá cả tỷ đồng bị mất cắp, hư hỏng”, ông Phong bức xúc.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Phạm Thị Công cho biết, trước năm 2015, cửa biển và lòng sông thông thoáng, bà con làm ăn rất hiệu quả. Nếu có đi khai thác ở xa thì Tết cũng sẽ đưa tàu trở về. Giai đoạn sau năm 2015, tình trạng bồi lấp đã khiến nhiều tàu thuyền vắng mặt địa phương trong suốt thời gian dài.

boilap2.jpg
Không có bóng dáng tàu có công suất lớn tại cửa biển Cổ Lũy.

“Hiện giờ cửa biển cạn, lòng sông từ thôn Phổ Trường đến thôn Tân Thạnh bị bồi lấp nên tàu 400 CV trở lên không trở về xã mà neo đậu luôn ở nơi khác; tàu dưới 300 CV phải thường xuyên canh nước để ra- vào. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề cá không riêng của Nghĩa An mà cả xã Nghĩa Phú ở lân cận”, bà Công nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, ngư nghiệp là ngành nghề chủ yếu của địa phương. Toàn xã có hơn 700 tàu công suất trên 90CV; tỷ lệ người dân sống bằng ngư nghiệp khoảng 80%.

Cửa Cổ Lũy bị bồi lấp không chỉ gây khó khăn cho các ngư dân mà các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá tại bến sông Phú Thọ cũng vì thế mà hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa, nhiều lao động bị mất việc.

boilap1.jpg
Người dân lo lắng khi khu neo trú và cảng cá Mỹ Á (phường Phổ Quang, TX Đức Phổ) bị bồi lấp nghiêm trọng

Tương tự, luồng lạch ra vào khu neo trú và cảng cá Mỹ Á (phường Phổ Quang, TX Đức Phổ) bị bồi lấp nghiêm trọng cũng khiến tàu thuyền ra vào khó khăn, đối mặt nguy cơ mắc cạn, sóng đánh chìm. Năm 2011, tỉnh hoàn thành công trình xây dựng cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á giai đoạn 1, tổng kinh phí hơn 104 tỷ đồng. Sau đó, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2, tổng kinh phí gần 155 tỷ đồng.

Sau khi đưa vào khai thác, cửa biển Mỹ Á có hàng trăm tàu cá công suất lớn đánh bắt vùng biển xa của địa phương và các tỉnh lân cận tấp nập ra vào bốc dỡ thủy sản, mua sắm hậu cần, tránh trú bão. Nhưng niềm vui kéo dài chưa lâu thì luồng lạch ra vào đã bồi lấp ngày càng nặng. Thậm chí lúc trời yên biển lặng, thực phẩm nhiên liệu đã chuẩn bị đủ, nhiều tàu vẫn phải nằm bờ, chờ nước lớn.

Theo phản ánh, nếu như trước đây, luồng lạch ra vào cảng Mỹ Á sâu 4m, hiện tại chỉ còn khoảng 1,8m, vào chiều tối chỉ còn 0,5m. Thời gian qua, không ít tàu cá ra vào bị mắc cạn, bị sóng đánh chìm, gây thiệt hại lớn về tài sản. Khoảng 270 tàu cá công suất 200CV trở lên của ngư dân địa phương do luồng lạch quá cạn nên không thể vào cảng Mỹ Á, phải di chuyển đến các địa phương khác như Đà Nẵng, Quy Nhơn để bán hải sản và neo trú.

Cần nạo vét để đảm bảo luồng lạch

Theo Phó Chủ tịch UBND TX Đức Phổ Trần Ngọc Sang, nguyên nhân cảng Mỹ Á bị bồi lấp ngày càng nặng, đặc biệt khu vực giáp biển, mực nước rất nông; là do tác động trực tiếp của bão, triều cường và dòng hải lưu, nhưng nhiều năm liền không được nạo vét. TX đã kiến nghị UBND tỉnh và Sở NN&PTNT sớm nghiên cứu, xem xét bố trí kinh phí nạo vét, thông luồng, nhằm tạo điều kiện cho tàu thuyền vào neo trú, nhất là mùa mưa bão đang đến gần.

boilap4.jpg
Cần tiến hành nạo vét thường xuyên để hạn chế tình trạng cửa biển bị bồi lấp

Còn đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết, hiện có nhiều cửa sông, cửa biển bị bồi lấp, xói lở, khiến tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Chính vì vậy, việc nạo vét, thông luồng các cửa biển, để đảm bảo tàu thuyền ra vào neo đậu, tránh trú, cũng như phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá là hết sức cần thiết.

Những năm qua, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cảng cá Sa Huỳnh (TX Đức Phổ), cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) và 3 cảng neo trú tàu thuyền ở xã Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi), huyện Lý Sơn, Mỹ Á (TX Đức Phổ). Các công trình này đã đem lại những lợi ích thiết thực, tạo nơi neo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu cá, cung cấp các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, tiêu thụ sản phẩm đánh bắt của ngư dân, góp phần phát triển kinh tế của các địa phương ven biển.

Tuy nhiên, 3 khu neo đậu nói trên chỉ đáp ứng được hơn 30% lượng tàu cá toàn tỉnh. Vì vậy, nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh phải neo đậu tại bến tư nhân hoặc dọc theo các dòng sông. Đồng thời, hạ tầng các cảng cá còn hạn chế nên nhiều tàu thuyền công suất lớn của tỉnh sau khi vươn khơi không về cảng trong tỉnh để bán hải sản mà tập trung ở cảng cá các tỉnh lân cận. Từ đó, dịch vụ hậu cần cảng cá trong tỉnh kém phát triển.

boilap5.jpg
Nghề cá ở Quảng Ngãi đìu hiu vì tàu thuyền gặp khó khi cửa biển bị bồi lấp

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi Võ Quốc Hùng cho biết, Sở NN&PTNT tỉnh vừa phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương để kiểm tra thực tế tình trạng bồi lấp, sạt lở tại các cửa sông, cửa biển, luồng lạch ra vào cảng cá, khu neo trú tàu thuyền. Tình trạng bồi lấp tại mỗi khu vực khác nhau. Cụ thể như tại Sa Huỳnh hay Cửa Đại, trước đây đã nhiều lần thực hiện nạo vét, nhưng chỉ sau một năm cát lại dạt vào bồi lấp như cũ.

“Sẽ có một quy luật lặp đi lặp lại là vào mùa mưa lũ, dòng chảy của sông, kết hợp với triều cường và dòng chảy đối lưu gần bờ sẽ tự mở toang cửa biển, khơi thông luồng lạch. Vào mùa biển lặng, sóng lại đưa cát vào bờ biển gây bồi lấp luồng lạch. Do đó, Sở NN&PTNT sẽ lập phương án trình UBND tỉnh thực hiện nạo vét vào mùa khô và việc này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục hằng năm”, ông Hùng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Cửa biển khắp nơi bị bồi lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO