Chật vật ở khu tái định cư
Khu tái định cư (TĐC) Nước Y, xã Ba Vinh có diện tích khoảng 20.539m2, tổng mức đầu tư trên 10,7 tỷ đồng, do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Dự án bắt đầu xây dựng từ năm 2017 để đưa 35 hộ dân trong diện sạt lở núi tái định cư an toàn trong mùa mưa lũ. Mỗi hộ dân được bố trí một lô đất khoảng 250m2. Khi thực hiện dự án, người dân xã Ba Vinh hy vọng được về nơi ở mới trước mùa mưa 2017. Thế nhưng, cho đến nay mới chỉ có 3 hộ dân đến nơi ở mới.
Khu TĐC Nước Y, xã Ba Vinh chỉ có vài hộ đến ở |
Chị Phạm Thị Xê ở Khu TĐC Nước Y cho biết, mùa mưa năm ngoái, sạt lở núi đã vùi lấp ngôi nhà cũ của gia đình. Gia đình chị được ưu tiên bốc thăm, chọn lô đất và mới xây tạm 1 gian nhà chừng 30 mét vuông để ở. Thế nhưng, tái định cư vẫn không thể an cư. Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại Khu TĐC vẫn chưa hoàn thiện, không có điện, thiếu nước nên cuộc sống khó khăn “Vì nhà cũ đã bị sập rồi nên gia đình tôi phải chuyển về nơi ở mới. Nhưng ở đây không có nước. Muốn nấu ăn, hay tắm giặt tôi phải đi gánh nước ở cách đây 2 cây số. Đất đai chật chội nên cũng không trồng hay nuôi con gì được”, chị Phạm Thị Xê cho biết
Đáng lo ngại hơn, chỉ sau một vài trận mưa đầu mùa năm 2018 khi công trình chưa đưa vào sử dụng đã xuất hiện tình trạng nứt, sụt lún ở khu vực mái taluy càng khiến chính quyền và người dân càng lo lắng hơn. Theo ông Phạm Văn In, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vinh thì, bà con ở khu TĐC vẫn phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, khó khăn đủ bề. “Vừa rồi, trong 35 hộ dân thì có 3 hộ xin rút. Vì trong thời gian thực hiện công trình này thì bà con chờ đợi lâu quá, cho nên mưa gió thì họ cũng không có chỗ ở nên họ đã tiến hành xây dựng nhà kiên cố tại xóm cũ”, ông Phạm Văn In cho biết.
Hạ tầng ở khu tái định cư thiếu thốn đủ bề |
Không chỉ riêng khu TĐC Nước Y mà hầu hết các dự án xây dựng khu TĐC, định canh cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà, Minh Long và Sơn Tây do Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư đều chậm tiến độ và có “vấn đề” về chất lượng công trình. Đơn cử, Khu TĐC Bà Nót (xã Sơn Lập, huyện Sơn Tây) được bố trí tái định cư cho 28 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Ở thời điểm sắp bàn giao, nhiều vết nứt xuất hiện trên nền móng, chất lượng thi công ở nhiều hạng mục bất ổn.
Cần sớm an cư cho người dân
Để ứng phó với tình trạng sạt lở núi gia tăng và đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân vùng cao trong mỗi mùa mưa bão, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai xây dựng 6 khu tái định cư phục vụ di dời 230 hộ dân. Trong đó, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư 5 dự án tại các huyện miền núi như Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, Sơn Tây, Tây Trà. Thời gian thực hiện từ cuối năm 2016 với kinh phí gần 60 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Thế nhưng, phần lớn các công trình đều chậm tiến độ, nhiều hạng mục hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa đưa vào bàn giao đã hư hỏng...
Mái taluy của Khu TĐC Nước Y bị hư hỏng sau trận mưa đầu mùa |
Ông Nguyễn Thế Nhân - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay, các khu tái định cư đã hoàn thành khoảng 95%. Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra và hoàn thành các hồ sơ để bàn giao cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, một số khu tái định cư vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải; tường nhà bị thấm nước mưa; giao thông chưa thuận tiện…
Ông Nguyễn Thế Nhân cho rằng, chất lượng công trình nhà ở, hệ thống cơ sở hạ tầng không bảo đảm chất lượng và chậm tiến độ là do năng lực của nhà thầu. Mặt khác thời tiết miền núi mưa nhiều dẫn tới việc xây dựng các khu TĐC không hoàn thành đúng tiến độ.
“Bây giờ bằng cách là báo cáo UBND tỉnh thông báo với trung tâm hành chính công, hoặc chỗ nào đó, thông báo rằng nhà thầu này chây ì hoặc không đủ năng lực. Thông báo là không cho đấu thầu trong địa bàn tỉnh để yêu cầu đơn vị thi công khắc phục chất lượng”, ông Nhân nói.
Sạt lở núi luôn là ám ảnh của người dân miền núi Quảng Ngãi |
Theo ông Nguyễn Thế Nhân, để các khu tái định cư nhanh chóng hoàn thành, giúp người dân an cư, lạc nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ngãi và các ban liên quan cần vào cuộc xử lý nghiêm với những nhà thầu yếu kém năng lực, làm chậm tiến độ công trình.