Quảng Nam: Sông Thu Bồn “ăn đất”, sạt lở sát vách nhà dân

Lan Anh| 15/10/2021 12:48

(TN&MT) - Tình trạng sông Thu Bồn “ăn” đất dọc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đang làm hàng chục hộ dân dân lo lắng ngày đêm, đặc biệt trong mùa mưa lũ này. Tuy nhiên giải pháp di dời người dân đến khu vực an toàn vẫn chưa được thực hiện.

Bất an bên miệng “hà bá”

Cứ vào mùa mưa bão, hàng chục hộ dân hộ dân ở xã Quế Trung, huyện Nông Sơn ven sông Thu Bồn lại nơm nớp lo sợ nhà cửa, tài sản bị "hà bá" nuốt chửng. Căn nhà ván cũ kỹ của vợ chồng ông Tăng Thoại ở thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung nằm sát ven sông đã xuống cấp nhưng không dám sửa vì đang ở tâm điểm sạt lở, khó trụ lâu.

Điểm sạt lở nặng ăn sâu tới 17 - 18m, điểm nhẹ nhất cũng lấn vào 5 - 7m

Mấy năm trước, vạt sân nhà ông Thoại còn rộng, bờ sông cách sân nhà tới cả chục mét thì chừng 2 năm trở lại đây, sông tiếp tục xâm thực làm lở một mảng sân xuống sông. Dãy tre được trồng để giữ đất cũng đã rớt sông. Ông Thoại lo chỉ sau vài trận lũ lớn nữa là căn nhà nhỏ của mình sẽ trôi theo dòng nước. Nên cứ có mưa lũ xuất hiện là ông lại thấp thỏm canh chừng, thấy từng mảng đất sạt đi mà lo sợ.

“Lo lắm. Cứ mỗi mùa mưa lũ về là không dám ngủ, sợ nhà cửa bị trôi xuống sông mà người không kịp chạy. Mấy hôm trước mưa to, nước sông Thu Bồn dâng cao, chảy xiết, nhà tôi phải tháo dỡ, vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Hết mưa, nước rút mới dám về ở. May mấy đợt bão vừa rồi không vào chứ vào chắc nhà cửa, tài sản trôi xuống sông hết rồi.” – ông Thoại lo lắng.

Cách đó không xa, mấy căn nhà cấp 4 tạm bợ của anh Tăng Văn Cư cũng đã sát mép sông. Anh Cư cho hay, khu vực này có 5 nhà dân đều thuộc diện khó khăn, hộ già yếu và hay đau ốm, bệnh tật. Lo sợ sạt lở, các gia đình đã bỏ tiền bạc đổ hàng chục xe đất đổ vào bao kè lại những đoạn sạt lở để đảm bảo an toàn nhưng không “ăn thua”.

Người dân phải tự bỏ tiền mua bao đất chèn chống sạt lở nhưng cũng không "ăn thua"

"Gia đình tôi sống ở đây 2 đời rồi, mấy năm trước mưa lũ không sợ vì sông còn cách bờ xa, giờ thì sợ lắm. Bà con đều muốn vào trong xây nhà nhưng kinh tế khó khăn chưa ai đủ điều kiện. Chúng tôi nghe Nhà nước có chủ trương di dời từ 4 năm nay nhưng chờ mãi chưa thấy. Trông cho nhà nước di dời hay có giải pháp kè để bà con yên tâm sinh sống”- anh Cư cho hay.

Chờ được di dời

Cùng chung cảnh ngộ với 5 hộ dân thôn Trung Phước 2, nhiều năm qua, các hộ gia đình sống ở khu vực bến đò Trung Phước (thôn Trung Phước 1) cũng khổ sở vì nạn sạt lở. Tình trạng sạt lở đã "ngoạm" vào tận móng nhà, vách tường làm nhiều nhà chênh vênh bên bờ vực của sông, người dân đành phải  bỏ nhà đi ở nhờ nhà người thân. Tốc độ sạt lở diễn ra nhanh chóng, có nơi chỉ qua một đêm, đất đã lở vô 3-5m.

Đợt mưa lũ xảy ra hồi cuối năm 2020 và đợt mưa to xảy ra vào cuối tháng 8/2021 đã làm công trình nhà vệ sinh của Trường THCS Quế Trung (thôn Trung Phước 1) bị sạt lở, đổ sụp phải bỏ hoang, dù vừa xây xong.

Nhiều bụi tre đã bị nước sông đánh ngã, trôi theo dòng nước

Ông Đỗ Trường Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết, trên địa bàn xã hiện có 2 điểm bị sạt lở bờ sông tại thôn Trung Phước 1 và Trung Phước 2, ảnh hưởng đến khoảng 50 hộ dân. Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn, thời gian qua người dân đã trồng tre giữ đất. Về lâu dài các vị trí sạt lở phải kè bê tông cốt thép, tuy nhiên kinh phí quá lớn, chính quyền xã không thể nào đáp ứng được. Về vấn đề này, chính quyền xã đã kiến nghị lên UBND huyện Nông Sơn để có biện pháp khắc phục.

“Còn 5 hộ dân thôn Trung Phước 2, trước đó chính quyền xã Quế Trung đã xác định một vài vị trí di dời song vẫn chưa thuận lợi cho người dân sinh sống. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị huyện khảo sát, tìm vị trí phù hợp hơn, áp dụng cơ chế mới để hỗ trợ bà con ổn định đời sống”, ông Thương thông tin.

Sạt lở đã "ngoạm" vào móng nhà dân, người dân phải đóng cửa bỏ nhà đi ở nhờ

Ông Trần Thiện Thắng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết: “Địa phương đã nắm được tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn, đoạn chảy qua địa bàn địa phương và đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ sạt lở tại các vị trí này rồi. Trước mắt yêu cầu người dân sinh dọc ven sông trồng tre giữ đất. Tôi cũng đã kiến nghị lên UBND huyện Nông Sơn để xin nguồn hỗ trợ của UBND tỉnh Quảng Nam hoặc Trung ương để xây dựng bờ kè cứng dọc khu dân cư này hoặc bố trí khu tái định mới cho bà con”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Sông Thu Bồn “ăn đất”, sạt lở sát vách nhà dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO