Tối 10/12, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo nhanh về tình hình ứng phó mưa lớn gây ngập lụt trên địa bàn.
Theo đó, tính từ 7h ngày 9/12 đến 13h ngày 10/12, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có mưa to, với lượng mưa trung bình là 286mm. Nhiều địa điểm có lượng mưa tương đối lớn là Tam Kỳ: 757mm, Câu Lâu 692mm, Hội An: 654mm...
Mực nước trên các sông Vu Gia và Thu Bồn đều ở mức dưới báo động I. Riêng mực nước tại trạm thủy văn Tam Kỳ vào lúc 13 giờ ngày 10/12 đạt cao trình 3,14m (trên báo động III 0,49m).
Trước tình hình trên, BCH PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương kiểm tra, ra soát các khu dân cư trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất... chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn; bố trí lực lượng, kiểm soát chặt chẽ các bến đò ngang, đò dọc, tuyến đường ngập để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại.
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn TP. Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình đã bị ngập sâu. Lực lượng chức năng địa phương đã tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn với 1.830 hộ, trong đó TP. Tam Kỳ 1.560 hộ, Phú Ninh 220 hộ...
Trong số 17 hồ chứa thủy lợi lớn do Cty thủy lợi Quảng Nam quản lý có 9 hồ đã tích đủ nước, 5 hồ đạt trên 70% dung tích hữu ích, 2 hồ đạt 60- 70% dung tích hữu ích và 1 hồ đạt dưới 50% dung tích hữu ích.
Lũ lụt đã làm nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp vụ đông ven sông bị bồi lấp, bờ ruộng bị cuốn trôi. Có 2 tuyến quốc lộ là 14D, 14H và 2 tuyến tỉnh lộ ĐT 603B, ĐT 609 bị sạt lở.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam dự báo, chiều tối ngày 10/12 tiếp tục có mưa to đến rất to xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, các xã phía tây huyện Núi Thành; ngập úng tại vùng thấp trũng thấp, ngập úng cục bộ tại TP. Tam Kỳ, TP. Hội An và thị xã Điện Bàn, các thị trấn Nam Phước, Hà Lam, Núi Thành.
BCH PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ; tổ chức kiểm tra, rà soát khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn... để cảnh báo cho nhân dân biết. Chủ động phương án sơ tán dân đối khu vực ngập sâu, có nguy cơ sạt lở.